Chờ...

Khi nào cần tiêm ngừa bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ?

(VOH) - Để phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng Khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1 thì, trẻ nên được chích ngừa.

Ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952. Bệnh bùng phát nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn.  

Chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng ngừa bệnh. Ảnh: internet

Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản khi gây dịch ở nước này với số người mắc và tử vong rất cao. Năm 1935 các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra căn nguyên gây bệnh là một loại vi rút được đặt tên là vi rút viêm não Nhật Bản và từ đó tên bệnh cũng được gọi là viêm não Nhật Bản.

Nghe tư vấn của bác sĩ Trương Hữu Khanh

Bệnh thường có biểu hiện rất cấp tính, bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc ngủ li bì, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao, có thể lên đến 10% - 20%.

Đối với vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh, thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.

Do đó, trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản như sau:

- Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;

- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;

- Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm.

Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Đối với trẻ trên 5 tuổi, nếu chưa từng được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản:

- Mũi 1: càng sớm càng tốt;

- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;

- Mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm.

Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tất cả các loại vắc xin trong đó có vắc xin viêm não Nhật Bản, vì vắc xin chính là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất, hiệu quả nhất và chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các dịch bệnh nguy hiểm trong đó có viêm não Nhật Bản.

Muỗi được xác định chính là nguồn gây bệnh, do đó cần làm vệ sinh môi trường xung quanh, thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà.

Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thì cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn và phòng lây nhiễm cho người khác.