Kon Tum: Cấp cứu kịp thời 3 người bị bỏng nặng do nổ

KON TUM - Vào lúc 15 giờ ngày 29/12, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận khẩn cấp 3 nạn nhân bị đa chấn thương do một vụ nổ xảy ra tại xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy.

Các bệnh nhân, trong độ tuổi từ 25-35, bị bỏng nặng với các vết bỏng sâu ở vùng đầu, mặt, ngực, tay và chân, đồng thời có các chấn thương nghiêm trọng khác trên cơ thể.

Ngay sau khi tiếp nhận, đội ngũ y bác sĩ đã thực hiện các biện pháp cấp cứu khẩn trương và phẫu thuật xử trí chấn thương kịp thời.

Một trong các bệnh nhân đã được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực và chống độc do tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Trong khi đó, hai bệnh nhân còn lại được xử trí và chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). 

kon-tum-301224
Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Cảnh Son – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết, xử trí sơ cứu đúng cách là yếu tố quyết định giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng nghiêm trọng, đồng thời cải thiện khả năng phục hồi của nạn nhân.

Đồng thời khuyến cáo người dân luôn chú ý tuân thủ các biện pháp an toàn, nhằm giảm thiểu các nguy cơ cháy nổ và bảo vệ tính mạng của bản thân và cộng đồng.

Những điều cần thực hiện khi gặp sự cố bỏng do nổ

  • Rời khỏi khu vực nguy hiểm: Ngay lập tức đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có nguy cơ tiếp tục nổ, tắt nguồn điện và mở cửa sổ để thông gió.
  • Làm mát vết bỏng: Ngâm vết bỏng dưới nước mát sạch (nước giếng, nước máy, nước bình) trong khoảng 10-15 phút để giảm nhiệt độ và hạn chế tổn thương sâu thêm.
  • Không bôi các chất không rõ nguồn gốc: Tránh bôi dầu, kem hoặc các chất bôi khác lên vết bỏng vì chúng có thể gây nhiễm trùng và làm tình trạng bỏng thêm trầm trọng.
  • Che phủ vết bỏng: Dùng băng gạc vô trùng hoặc vải sạch để che phủ vết bỏng, bảo vệ vết thương khỏi bụi bẩn và nguy cơ nhiễm trùng.
  • Kiểm tra tình trạng thở: Nếu nạn nhân gặp khó khăn trong việc thở hoặc ngừng thở, cần thực hiện ngay hồi sức tim phổi (CPR) nếu có thể.
  • Nếu nạn nhân có dấu hiệu choáng (da lạnh, mạch yếu, huyết áp thấp), cần giữ ấm cơ thể bằng chăn, quần áo và theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe.
  • Gọi cấp cứu ngay lập tức. Nếu không thể gọi xe cấp cứu, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất, đồng thời tiếp tục theo dõi tình trạng của họ trong suốt quá trình di chuyển.
Bình luận