Ngày 1/11, CDC Lâm Đồng cho biết, bệnh nhân nam (tiền sử HIV 5 năm), quê Tiền Giang, đến ở trọ và làm việc tại TP Bảo Lộc.
Sáng 24/10, người đàn ông sốt, đau cổ họng, đi khám và nhập viện điều trị tại Bệnh viện II Lâm Đồng.
Hai hôm sau, bệnh viện lấy mẫu gửi Viện Pasteur TPHCM, kết quả xét nghiệm dương tính với đậu mùa khỉ. Hiện bệnh nhân được điều trị, không có triệu chứng sốt, nhưng đau họng, nổi bọng nước rải rác ở tay, lưng, bộ phận sinh dục.
Bệnh nhân nữ (tiền sử HIV 15 năm) cảm thấy khó thở, mệt, nổi mụn, được người nhà đưa đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) điều trị. Sau đó người phụ nữ được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM, kết quả xét nghiệm dương tính với đậu mùa khỉ.
Chẩn đoán sơ bộ lúc nhập viện, bệnh nhân nhiễm Mpox – nhiễm trùng huyết từ nhiễm trùng da – viêm xuất huyết màng phổi đang dẫn lưu/nhiễm HIV.
UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Sở Y tế phối hợp với các huyện, thành phố đẩy mạnh giám sát dịch bệnh đậu mùa khỉ, sớm phát hiện, truy vết, tổ chức giám sát người nhà bệnh nhân đậu mùa khỉ trong thời gian 21 ngày theo quy định, xử lý kịp thời ổ dịch, không để lây lan ra cộng đồng.
Dịch đậu mùa khỉ bùng phát vào tháng 5/2022, xuất hiện tại những nước chưa từng có virus lưu hành trước đây như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Bỉ, Thái Lan, Ấn Độ, Tây Ban Nha... Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 90.000 ca, hầu hết bệnh nhân là nam giới trẻ, nhiều người trong đó có quan hệ tình dục đồng giới.
Ngày 23/7/2022, WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, gỡ vào tháng 5/2023 nhưng vẫn xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Hiện Việt Nam chưa có vaccine và thuốc đặc trị cho đậu mùa khỉ, chỉ có vaccine bệnh đậu mùa. Bộ Y tế đưa đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B, thuộc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.