Cụ bà (85 tuổi, ở Hà Nội) may mắn thoát chết nhờ được các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện E mổ cấp cứu thành công.
Ca bệnh này không chỉ thách thức về mặt chuyên môn mà còn là bài học cảnh báo về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Trước đó, cụ bà bị đau cột sống thắt lưng mạn tính nên đã tự mua thuốc về điều trị. Trong số thuốc đó có thành phần giảm đau tác dụng phụ lên dạ dày tá tràng và gây loét thủng.
Hơn nữa, do bệnh nhân đã già yếu với nhiều bệnh lý nền kèm theo như huyết áp, tim mạch… nên các triệu chứng của thủng dạ dày tá tràng kéo dài suốt 4 ngày.
Bệnh nhân vẫn tiếp tục sử dụng thuốc giảm đau nhưng tình trạng vẫn chưa thuyên giảm, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn. Khi đã xuất hiện tình trạng sốc nhiễm trùng nặng, bụng trướng nhiều, bệnh nhân mới được đưa đến bệnh viện.
Kết quả thăm khám cho thấy, bệnh nhân bị viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng mặt trước tá tràng – hang vị.
Bác sĩ nhận định, đây là trường hợp nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao do nhiễm trùng ổ bụng, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn khẩn liên khoa cấp cứu, tiêu hóa, gây mê hồi sức… và đưa ra phương án phẫu thuật cấp cứu để khâu lỗ thủng.
ThS.BS Nguyễn Khắc Điệp – Khoa Phẫu thuật tiêu hóa cho biết, việc đưa ra quyết định phẫu thuật cho cụ bà 85 tuổi là một thách thức lớn vì, cụ bà còn mắc nhiều bệnh lý nền khác như bệnh tim mạch, hô hấp và loãng xương… khiến việc lựa chọn phương án phẫu thuật trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
Quá trình phẫu thuật, các phẫu thuật viên phát hiện ổ bụng có rất nhiều dịch mủ, giả mạc do lỗ thủng từ môn vị dạ dày xuống mặt trước trên hành tá tràng có kích thước 2cm, trên nền ổ loét xơ chai.
Các phẫu thuật viên nhanh chóng tiến hành làm sạch ổ bụng, phẫu thuật khẩn cấp khâu lỗ thủng dạ dày – tá tràng và lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.
Ngay sau mổ, bệnh nhân được chuyển điều trị hồi sức tích cực để theo dõi tiếp sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng do viêm phúc mạc toàn thể vì thủng dạ dày tá tráng.
ThS.BS Nguyễn Khắc Điệp chia sẻ, thủng tạng rỗng có nhiều nguyên nhân và được đánh giá là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, đặc biệt ở người lớn tuổi có bệnh nền như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường…
Bệnh này nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng và tỷ lệ tử vong rất cao. Do đó, việc chẩn đoán nhanh chóng và can thiệp phẫu thuật với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều chuyên khoa… có vai trò quyết định trong việc cứu sống bệnh nhân khỏi tử thần.
Cùng với đó, quá trình hồi sức và chăm sóc sau phẫu thuật cũng rất quan trọng. Việc theo dõi sát sao các chỉ số sức khỏe và điều trị nhiễm trùng triệt để giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, hạn chế biến chứng.
Đến nay, bệnh nhân đã tỉnh táo và tiếp tục được chăm sóc hồi phục thể trạng và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
ThS.BS Nguyễn Khắc Điệp khuyến cáo, với các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, người dân không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Khi xuất hiện triệu chứng bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt ở người cao tuổi có nhiều bệnh lý nền.