Chờ...

Làm thế nào dạy dỗ trẻ “nổi loạn” ?

(VOH) - Từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, con người trải qua 3 giai đoạn "nổi loạn", trong đó giai đoạn vị thành niên là khó xử lý nhất.

Từ lúc sinh ra đến 5-6 tuổi, trong một gian đoạn nào đó, trẻ nhỏ sẽ có thái độ ngang ngạnh và phản kháng với người lớn rất mạnh mẽ. Đây là giai đoạn “nổi loạn” đầu tiên trong đời của con người. 

Đến khi 7, 8 tuổi sẽ xuất hiện giai đoạn “nổi loạn” thứ 2 và giai đoạn “nổi loạn” lần thứ 3 sẽ xuất hiện vào khoảng 13-18 tuổi, giai đoạn này người ta thường hay gọi là “tuổi nổi loạn” của trẻ vị thành niên.

Dạy dỗ trẻ “nổi loạn” là việc khó (nguồn:23yuedu)

Tuổi “nổi loạn” 13-18 tuổi, phụ huynh rất khó quản lý và dạy dỗ trẻ vị thành niên. Đây là gian đoạn cực kỳ khó khăn cho phụ huynh lẫn trẻ vị thành niên vì trẻ thích làm những chuyện "khác người", nhất là làm khác ý kiến với phụ huynh và thầy cô giáo. Người lớn thì cho rằng, trẻ ngang ngạnh, đối lập, chống lại người lớn, không chịu nghe lời.

Vậy phụ huynh làm thế nào để dạy dỗ trẻ trong các giai đoạn “nổi loạn” ? Mời các phụ huynh tham khảo những lời khuyên sau đây của các nhà tâm lý học.

Giao tiếp giữa phụ huynh và trẻ “nổi loạn”:

Phụ huynh sẽ luôn cảm thấy khó giao tiếp với những trẻ có biểu hiện “nổi loạn” mạnh mẽ.

Cho nên, phụ huynh cần cố gắng tiếp xúc, trao đổi với trẻ nhiều hơn bằng cách tích cực cùng tham gia các hoạt động yêu thích của trẻ, nhẫn nại lắng nghe lời tâm sự của trẻ nhiều hơn.

Phụ huynh nên cùng chơi và lắng nghe trẻ nhiều hơn (nguồn: Babyqq)

Tôn trọng trẻ “nổi loạn”:

Phụ huynh không nên “soi” quá nhiều nhược điểm của trẻ “nổi loạn”, tối kỵ đem “nhược điểm” của trẻ so sánh với “ưu điểm” của con người khác.

Khi tiếp xúc với trẻ “nổi loạn”, phụ huynh cố gắng tìm ra ưu điểm thế mạnh của trẻ và khuyến khích phát huy những điểm mạnh này.

Đây là cách sẽ làm giảm tâm lý chống đối, phản kháng lại với người lớn của trẻ, làm trẻ biết nghe lời dạy dỗ của phụ huynh hơn.

Đồng cảm:

Các phụ huynh cũng là những người có thể đã từng trải qua các giai đoạn “nổi loạn”.

Cho nên đối với những trẻ “nổi loạn”, phụ huynh cố gắng đồng cảm với trẻ, không ngần ngại đặt mình vào vị trí của trẻ, tìm hiểu xem tại sao trẻ lại có thái độ ngang ngạnh, chống đối lại với người lớn như vậy. Từ đó sẽ có cách giao tiếp với con tốt hơn, hướng dẫn con ngoan ngoãn, nghe lời hơn.

Cấm kỵ nhắc đến thành tích:

Khi giao tiếp với trẻ “nổi loạn”, phụ huynh không nên thường xuyên “lôi” chủ đề thành tích học tập vào câu chuyện, làm như vậy sẽ tăng thêm áp lực cho trẻ, trẻ càng “nổi loạn” hơn.

Lúc đó, trẻ sẽ nghi ngờ hoặc cho rằng phụ huynh tiếp cận giao tiếp, trò chuyện chẳng qua chỉ muốn bắt ép trẻ làm theo ý của người lớn.

Cho nên, khi giao tiếp với trẻ “nổi loạn”, phụ huynh bắt đầu từ câu chuyện mà trẻ quan tâm, yêu thích như chủ đề bạn bè, âm nhạc, thể thao, phim ảnh...... giúp tâm trạng của trẻ ổn định, bình tĩnh, thoải mái, không bị áp lực, không có ý phản kháng lại người lớn.

Sau đó, mới tiếp tục câu chuyện có chủ đề chính hoặc những điều mà phụ huynh muốn trao đổi, muốn dạy dỗ với trẻ “nổi loạn”. Có như thế, trẻ mới có thể chịu lắng nghe phụ huynh khuyên nhủ, dạy bảo.

Phụ huynh không nên thường xuyên “lôi” chủ đề thành tích học tập vào câu chuyện sẽ làm trẻ càng “nổi loạn” hơn (nguồn: Funnyjunk )

Tâm trạng “vui vẻ”:

Nếu phụ huynh mang tâm trạng “bực bội” đi dạy dỗ, khuyên bảo trẻ “nổi loạn” thì nhất định trẻ không những không giảm bớt “ nổi loạn” mà trái lại sẽ làm cho trẻ càng “nổi loạn” hơn.

Cho nên, một khi phụ huynh đang cáu gắt, bực bội, không bình tĩnh thì tốt nhất đừng gọi trẻ “nổi loạn” đến dạy dỗ.

Hãy đợi đến khi tâm trạng trở lại bình thường, hoặc những lúc vui vẻ là thời điểm dạy dỗ trẻ “nổi loạn” tốt nhất.