Lo ngại dịch chồng dịch - cộng đồng cần chung tay với ngành y tế

(VOH) - Sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn Thành phố đang diễn biến phức tạp, 4 tháng đầu năm tăng gần 30% so với cùng kỳ, trong đó đã có 7 trường hợp tử vong.

Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận hơn 8.400 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gần 30% so với cùng kỳ, trong đó đã có 7 trường hợp tử vong. Đáng ngại hơn, có những trường hợp trẻ nhũ nhi mắc sốt xuất huyết rất nặng, mà cụ thể vừa qua Bệnh viện Nhi đồng 1 đã cứu chữa hai bệnh nhi dưới 1 tuổi rất nguy kịch vì sốt xuất huyết. Bên cạnh sốt xuất huyết, thì tay chân miệng cũng bắt đầu gia tăng.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, Thành phố ghi nhận hơn 2.500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5 tuổi. Số ca bệnh tay chân miệng hiện tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Trước tình hình này, lo ngại dịch chồng dịch là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có những biện pháp chống dịch quyết liệt. Do vậy, để chủ động phòng bệnh thì trách nhiệm của gia đình, của cộng đồng là rất lớn để hỗ trợ cùng ngành y tế có những biện pháp phòng chống hiệu quả. VOH đã có phỏng vấn Ths.BS Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh.

BS lê hồng nga
ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM

*VOH: Thưa bác sĩ, chúng ta đã trải qua mùa dịch Covid-19 rất khốc liệt thời gian này, một số dịch bệnh lại diễn biến khá phức tạp như sốt xuất huyết và tay chân miệng. Bác sĩ có đánh giá như thế nào về hai dịch bệnh này trong bối cảnh hiện nay?

Bác sĩ Lê Hồng Nga: Sốt xuất huyết và tay chân miệng là hai bệnh truyền nhiễm lưu hành từ nhiều năm qua ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở Việt Nam. Năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nên số ca sốt xuất huyết và tay chân miệng không là tiêu điểm chú ý của cộng đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, dịch Covid-19 từng bước ổn định trên cả nước thì ca bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng lại nổi lên. Theo giám sát của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM thì từ đầu tháng 4 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết hằng tuần gia tăng rất là nhanh chóng. Đầu tháng 5 đến nay, số ca tay chân miệng cũng đang tăng. Về diễn tiến, đây là thời điểm tay chân miệng cũng đang tăng và sốt xuất huyết thì tăng sớm hơn so với những năm về trước. Theo dự báo của ngành y tế trong năm 2022 này, số ca sốt xuất huyết sẽ cao có thể xảy ra những ổ dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng nếu chúng ta không có những biện pháp kiểm soát phù hợp.

*VOH: Thưa bác sĩ, được biết ngành y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố đã phối hợp đi kiểm tra tại các quận, huyện. Qua các đợt kiểm tra nhìn chung các điểm nguy cơ ngoài cộng đồng vẫn còn nhiều nhất là các quận, huyện vùng ven. Mà như chúng ta biết điểm nguy cơ thì sẽ dẫn đến phát sinh rồi bùng phát sốt xuất huyết. Thời điểm hiện nay, thông điệp mà Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố muốn gửi đến cộng đồng là như thế nào?

Bác sĩ Lê Hồng Nga: Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền từ người này sang người khác. Chính vì vậy, để phòng chống sốt xuất huyết trong cộng đồng là phải diệt muỗi, diệt lăng quăng và cơ bản nhất vẫn phải diệt lăng quăng. Bởi vì khi phun thuốc, hóa chất trong không gian để diệt muỗi sốt xuất huyết thì chúng ta chỉ diệt muỗi ở tại thời điểm đó khi nó bay trên không trung sau đó những ổ lăng quăng nở ra muỗi mới thì chúng ta không thể nào diệt được vì không thể phun hóa chất liên tục. Do vậy, biện pháp cần thiết và căn cơ nhất trong phòng chống sốt xuất huyết là diệt lăng quăng. Muỗi sẽ đẻ trứng ở trong những vật dụng chứa nước, hoặc những chai nhựa, rác nhựa chứa đọng nước sinh hoạt, nước mưa xung quanh nhà do vậy việc dọn dẹp, lật úp các vật chứa nước là rất quan trọng. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có những biện pháp ngăn ngừa muỗi đốt. Muỗi sốt xuất huyết thường hoạt động vào ban ngày nên chúng ta nên tăng cường các biện pháp diệt muỗi như dùng bình xịt muỗi, thoa kem chống muỗi, rồi ngủ mùng tránh muỗi đốt.Một thông điệp nhỏ gửi đến tất cả mọi người là hằng tuần nên dành từ 10 đến 15 phút để dọn dẹp các vật chứa nước, các ổ lăng quăng để phòng ngừa không để xảy ra sốt xuất huyết.

*VOH: Về bệnh tay chân miệng, đây là bệnh thường xảy ra với trẻ dưới 5 tuổi. Vậy thì Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP đã có kế hoạch gì để chủ động kiểm soát, không để hình thành ổ dịch trong trường học nhất là các trường mầm non công lập cũng như nhóm trẻ tư nhân?

Bác sĩ Lê Hồng Nga: Đúng vậy, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi - nhóm trẻ đi học trường mầm non. Để chủ động kiểm soát, ngay từ đầu năm học Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP đã triển khai những hướng dẫn về giám sát, phát hiện những trường hợp trẻ mắc tay chân miệng trong trường học cũng như triển khai hướng dẫn cho trường học thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn. Một trong những thông điệp hết sức quen thuộc là trẻ khi đến trường thì cả nhà trẻ, rồi giáo viên và người chăm sóc trẻ nên thực hiện những khuyến cáo như thực hiện tốt việc rửa tay thường xuyên, rồi thường xuyên khử khuẩn đồ chơi của trẻ, những bề mặt như bàn ghế trong lớp học bằng hóa chất thông thường để làm giảm bớt những mầm bệnh có thể làm lây lan tay chân miệng. Đối với bệnh này quan trọng nhất là rửa tay sạch bằng nước, bằng xà phòng và rửa sạch đồ chơi, vật dụng, bề mặt xung quanh.

*VOH: Cảm ơn bác sĩ.