Suy tĩnh mạch là gì?
Suy tĩnh mạch là tình trạng suy giảm chức năng đưa máu về tim của hệ thống tĩnh mạch, gây ứ trệ tuần hoàn, thường gặp ở chi dưới, xảy ra ở khoảng 10 - 35 % người lớn, nữ giới chiếm 70%.
Bác sĩ Trần Minh Bảo Luân, chuyên khoa Phẫu thuật Lồng ngực và Mạch máu – Giảng viên Đại học Y dược cho biết: “Hầu hết suy tĩnh mạch chỉ xảy ra ở vùng dưới tim như chân, ít xảy ra ở tay hay phần phía trên tim. Các vùng cao hơn tim như tay thì máu chảy về theo trọng lực. Ở vùng dưới tim như chân cần những cơ chế để tải máu lên”.
Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch chân
Những yếu tố nguyên nhân gây ra bệnh là do chất lượng máu, do di truyền, đứng lâu. Bệnh thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi và phụ nữ đã trải qua sinh nở. Khi có thai, bụng sẽ to lên làm tăng áp lực ở bụng, chèn ép tĩnh mạch. Máu trong tĩnh mạch ở vùng hạ lưu muốn đến tim phải qua bụng, từ đó sẽ bị ứ đọng.
Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân
Vào gian đoạn đầu, bệnh thường bị bỏ qua vì không có triệu chứng rõ ràng, chỉ có các mạch máu li ti nổi lên dưới da. Vào giai đoạn sau cảm thấy nặng chân, mỏi chân, đôi khi thấy tê, dị cảm, cảm giác như kiến bò vùng bàn chân, vọp bẻ (chuột rút) ở bắp chân, sưng phù quanh hai mắt cá.
Các triệu chứng thường nặng hơn về chiều tối, hoặc sau khi đứng lâu và giảm bớt vào buổi sáng khi ngủ dậy, hoặc sau khi nghỉ ngơi, kê chân cao. Theo thời gian, bệnh diễn tiến nặng hơn, người bệnh sẽ cảm thấy nặng và phù chân, thay đổi màu sắc da.
Tuy ít nguy hiểm nhưng suy giãn tĩnh mạch khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, đau đớn và mất thẩm mỹ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Ảnh: medicalmplampla.
Bệnh suy tĩnh mạch có nguy hiểm ?
Tuy ít gây nguy hiểm nhưng suy giãn tĩnh mạch khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, đau đớn và mất thẩm mỹ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Chị Phúc (quận 3, TPHCM) cho biết, do công việc phải đứng nhiều, đi làm bằng xe buýt nên thường xuyên đi bộ. Chị cảm thấy bắp chân căng tức và càng thấy khó chịu hơn vào lúc trời nóng.
Với những triệu chứng trên, bác sĩ Luân cho biết chị Phúc đang rơi vào giai đoạn đầu của bệnh. Khi trời nóng, mạch máu sẽ giãn ra, từ đó làm giảm cường lực, các van hở tương đối, lượng máu về tim sẽ giảm theo. Đồng thời, khi đứng nhiều, chân không hoạt động máu khó chảy về tim hơn.
Cách ngừa bệnh suy giãn tĩnh mạch chân
Hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài hơn, phức tạp và nhất là chịu ảnh hưởng của trọng lực khi người bệnh phải đứng nhiều.
Bác sĩ Trần Minh Bảo Luân khuyên, nên hạn chế đứng lâu, khoảng 30 phút thì nên ngồi nghỉ 30 giây – 1 phút và gác chân lên. Trong lúc ngồi làm việc, phối hợp với các bài tập nhỏ như cử động các ngón chân, gập duỗi cổ chân, nhón gót.
Giày cao gót là “kẻ thù” của bệnh suy tĩnh mạch (Ảnh: pizzazzshoes)
Đặc biệt, giày cao gót được xem là “kẻ thù” của bệnh suy tĩnh mạch. Mang giày cao gót sẽ làm mất đi cơ chế dội ngược máu lên tim. Trong trường hợp bắt buộc phải đi giày cao gót nên mang vớ giãn tĩnh mạch.
Đi bộ nhanh tốt cho tĩnh mạch nhưng không nên kéo dài thời gian đi, nên đi nhanh khoảng 30 phút rồi ngồi nghỉ.
Quan trọng nhất, khi có các triệu chứng trên cần đến các cơ sở y tế thăm khám để được điều trị.