Mẹo chữa hôi miệng cực hay từ chuyên gia Đông y

( VOH ) - Hơi thở có mùi không chỉ là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật mà còn khiến bạn mất tự tin khi giao tiếp với mọi người xung quanh. Dưới đây là cách giúp bạn giải quyết tình trạng bị hôi miệng.

PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Bay đã có buổi chia sẻ với thính giả về những nguyên nhân hình thành chứng hôi miệng cũng như cách khắc phục hiệu quả trong chương trình Phòng mạch FM, phát sóng trên VOH Radio – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.

1. Vì sao bị hôi miệng?

Bác sĩ Bay cho biết, miệng hay họng là nơi “giao thương” của môi trường bên ngoài và bên trong cơ thể. Vì thế, nguyên nhân gây hôi miệng có thể do bệnh lý bên trong hay ăn phải những thức ăn gây mùi khó chịu hoặc chứa vi khuẩn.

Cụ thể, hôi miệng do những nguyên nhân sau đây:

1.1 Do bệnh lý

  • Bệnh về đường hô hấp và răng miệng: Các bệnh lý như viêm mũi xoang, viêm họng tại chỗ, viêm nướu răng, viêm lưỡi do virus, vi khuẩn hay vi trùng đều sẽ gây mùi khó chịu ở họng. Ngoài ra, các mảng bám ở răng cũng khiến bạn bị hôi miệng.
  • Bệnh lý dạ dày: Bệnh trào ngược thực quản dạ dày sẽ khiến bạn thường xuyên ợ chua, luôn có cảm giác đắng và chua trong miệng do axit dịch vị trồi lên. Đây chính là nguyên nhân khiến hơi thở có mùi khó chịu.

mach-ban-meo-chua-hoi-mieng-cuc-hay-voh-1 

Hôi miệng có thể do bệnh lý ở dạ dày (Nguồn: Internet)

1.2 Do thức ăn

Khi ăn những loại gia vị như hành, tỏi tươi,…cũng sẽ khiến bạn bị hôi miệng.

1.3 Sinh lý phụ nữ

Theo bác sĩ Bay, trong những ngày hành kinh, phụ nữ rất dễ bị hôi miệng.

Ngoài ra, các nguyên nhân hiếm gặp như bệnh đái tháo đường, ung thư gây biến chứng viêm nhiễm, người bị suy dinh dưỡng, thường xuyên nhịn đói, người bị mất cân bằng chuyển hóa chất béo và đạm cũng có thể gây hôi miệng.

Trên đây là những nguyên nhân gây hôi miệng thường gặp nhất. Việc tìm ra đúng nguyên nhân sẽ giúp bạn có cách chữa trị hiệu quả nhất.

2. Mẹo chữa hôi miệng tại nhà đơn giản mà hiệu quả

Bác sĩ Bay cho biết, hôi miệng nếu không khắc phục sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc, tình cảm và giao tiếp hàng ngày. Do đó, bạn nên tìm cách chữa trị dứt điểm chứng bệnh này. Thông thường, để chữa chứng hôi miệng hiệu quả, bạn cần xác định chính xác nguyên nhân và xử lý dựa theo nguyên nhân gây bệnh.

Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng các mẹo chữa theo Đông y như:

mach-ban-meo-chua-hoi-mieng-cuc-hay-voh-2

Sử dụng bã trà để xử lý tình trạng hôi miệng (Nguồn: Internet)

  • Tận dụng bã trà để khử mùi hôi miệng bằng cách nhai bã trà từ 1 – 2 lần/ngày. Sau mỗi lần nhai, súc miệng lại bằng nước sạch.
  • Lấy gừng tươi pha với nước nóng và một chút muối. Dùng nước này súc miệng 1 – 2 lần/ngày.
  • Dùng 100g cây hương nhu tươi nấu với 1 lít nước để súc miệng sau khi ăn hoặc trước khi giao tiếp. Bạn có thể sử dụng cả lá, hoa, rễ, cành của cây hương nhu để nấu nước.

Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến những vấn đề vệ sinh răng miệng để giảm mùi hôi:

  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên, ít nhất là 2 lần/ngày. Tuy nhiên, để tránh mảng bám thức ăn gây hôi miệng thì bạn nên đánh răng sau khi thức dậy, trước khi đi ngủ và sau mỗi bữa ăn.
  • Tránh những yếu tố gây hôi miệng như thức ăn gây mùi (hành, tỏi sống), tránh hút thuốc lá.

Như vậy, điều quan trọng nhất để chữa hôi miệng hiệu quả là điều trị trên nguyên nhân gây bệnh. Nếu gặp các vấn đề về răng miệng thì bạn nên đến nha khoa để thăm khám, nếu mắc các bệnh về dạ dày thì đến các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị bệnh. Khi bệnh được chữa hiệu quả thì chứng hôi miệng cũng sẽ biến mất.