Một trường hợp tử vong có liên quan cúm A/H1pdm tại Bình Định

VOH - Bệnh nhân T.V.T. đã có triệu chứng từ ngày 12/10, bao gồm mệt mỏi, ho, sốt và nhức mỏi toàn thân. Sau nhiều ngày điều trị bệnh nhân tử vong do nhiễm A/H1pdm.

Ngày 22/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định thông báo về trường hợp một người đàn ông 51 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Thạnh, tử vong vào ngày 17/10 do nhiễm cúm A/H1pdm.

Trước đó ngày 12/10, bệnh nhân T.V.T. (sinh năm 1973, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) khởi bệnh,tới khám tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh vào ngày 13/10 với chẩn đoán ban đầu là loét dạ dày, rối loạn tiền đình, viêm phế quản. Sau đó bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên với chẩn đoán viêm phổi biến chứng suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, hội chứng Cushing, trào ngược dạ dày thực quản và theo dõi sốt xuất huyết Dengue.

voh-20
Trường hợp nhiễm vi rút cúm A nguy kịch từng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - Ảnh: Tuoitre Online

Đến sáng 17/10, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định với chẩn đoán viêm phổi do vi rút. Đầu giờ chiều, bệnh nhân lơ mơ, phải thở máy, tiếp theo là hôn mê, thở theo máy, xuất hiện co giật từng cơn ngắn, hôn mê sâu, nhịp tim xu hướng chậm dần, huyết áp không đo được.

Đến tối, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi lan tỏa hai bên, sốc nhiễm trùng hội chứng Cushing do thuốc và người nhà xin cho về. Tối 17/10, bệnh nhân tử vong tại nhà.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng, giảng viên cao cấp tại Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, cúm A/H1N1 pdm09 là một chủng virus cúm có thành phần kháng nguyên Hemagglutinin 1 và Neuraminidase 1. Chủng virus này lần đầu được phát hiện trong đại dịch cúm năm 2009, do đó mang tên pdm (pandemic 09). Sau đại dịch, virus này đã trở thành một loại virus cúm mùa phổ biến trong cộng đồng.

Mặc dù cúm A/H1pdm có thể gây ra những triệu chứng nặng, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như người lớn tuổi trên 65, người có bệnh nền (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tiểu đường, suy tim), phụ nữ mang thai và trẻ em, PGS Dũng khuyến cáo rằng người dân không nên quá lo ngại về căn bệnh này.

"Cúm A/H1N1 pdm09 hiện nay không còn là mối đe dọa nghiêm trọng như trước đây. Nó đã trở thành một phần của cúm mùa và là một trong ba thành phần chính trong vaccine cúm hiện hành," PGS Dũng cho biết.

Do đó, việc nâng cao nhận thức và phòng ngừa bệnh cúm nói chung, cùng với việc tiêm vaccine cúm định kỳ, là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.

Bình luận