Mùa bệnh thủy đậu: Cách phát hiện, điều trị và phòng tránh?

(VOH) - Theo thống kê trong 2 tuần vừa qua, số bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 được chẩn đoán bệnh thủy đậu đã lên đến con số hơn 220. Riêng số bệnh nhi thủy đậu nằm điều trị tại khoa Nhiễm – Thần kinh đã tăng 30% so với tháng trước và đang có bệnh nhi 15 ngày tuổi đã mắc bệnh. Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo về căn bệnh này.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1.

*VOH: Thưa bác sĩ, từ tháng 2 đến tháng 6 sẽ là mùa của thủy đậu. Vậy thì thủy đậu người lớn và trẻ em có khác nhau và biến chứng của bệnh là gì?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thường thủy đậu theo mùa, thời điểm này là vào mùa của nó. Bệnh này có đặc điểm trẻ từ 7 tuổi trở lên và em bé dưới 3 tháng tuổi bệnh sẽ nặng hơn, những người bị nặng thì nóng sốt, mệt mỏi nhiều hơn. Bệnh này gây biến chứng nhiễm trùng da ở người lớn nhiều hơn trẻ nhỏ. Tuy nhiên, em bé dưới 3 tháng biến chứng viêm phổi nặng hơn. Đối với người lớn thì biến chứng viêm não, viêm tủy nhưng tỷ lệ thấp hơn.

*VOH: Thưa bác sĩ khi chăm sóc người bệnh thủy đậu nên lưu ý điều gì và chăm sóc như thế nào là đúng cách?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nên cách ly ngay với người mắc bệnh, không được đắp lá, tắm lá hay uống nước gốc rạ... nguy hiểm cho người bệnh. Quan trọng là phải uống ngay thuốc kháng vi rút tên là acyclovir càng sớm càng tốt, nó sẽ làm giảm biến chứng nếu uống sớm. Việc tắm rửa phải thực hiện bình thường.

>>>  3 loại lá cây khi mắc bệnh thủy đậu có thể tắm

*VOH: Nếu nốt rạ mọc ở những nơi có niêm mạc mỏng như dưới mi mắt, chỗ kín chẳng hạn, thì nên xử trí như thế nào?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Niêm mạc thì có thể súc miệng bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lí. Mắt có thể nhỏ mắt bằng nước muối sinh lí, nếu bội nhiễm thì nhỏ bằng kháng sinh. Để không gây nhiễm trùng da lưu ý phải tắm rửa thường xuyên, cắt móng tay cho trẻ vì em bé ngứa ngáy gãi sẽ gây nhiễm trùng da. Trên da, với những mụn chưa vỡ, có thể bôi thuốc kháng virút -pommade acyclovir, còn vỡ rồi thì bôi xanh methylen tránh bội nhiễm.

*VOH: Với bệnh lý thủy đậu cho đến nay vẫn còn những quan điểm sai lầm như tắm nước lá, tắm nước gốc rạ vì nghĩ bệnh sẽ mau hết…Bác sĩ khuyến cáo như thế nào với những trường hợp này?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Từ rạ trong trái rạ không liên quan đến gốc rạ, tắm để cho vi trùng xung quanh da không tấn công vào nốt rạ, nốt phỏng thủy đậu đó, nó sẽ làm nhiễm trùng thêm. Nếu có thuốc trừ sâu càng nhiễm trùng thêm, nên phải tránh. Cho trẻ tắm bằng xà bông bình thường như mọi ngày vẫn tắm cho trẻ là được.

Bênh nhi đang được chăm sóc tại khoa Nhiễm-Thần kinh,Bệnh viện Nhi đồng 1.

 *VOH: Bệnh này đã có vắc xin phòng bệnh, việc tiêm ngừa được thực hiện ra sao là đúng thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Vắc xin này không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì vắcxin này khá đắt. Thường chích ngừa loại này nên chích cho bé lúc 12 tháng tuổi sau đó 3, 4 tháng nhắc lại hoặc 4, 5 tuổi khi bé đi học thì nhắc lại. Vì tiêm 1 mũi khả năng trẻ mắc bệnh cũng còn, thường phụ huynh không chịu chích theo tháng nhưng khi nghe đồn có bệnh thì lại ùn ùn đi chích gây nên tình trạng thiếu vắc xin ảo, mà hiệu quả phòng bệnh cũng chậm.

*VOH: Với người lớn thì tiêm ngừa như thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Người chưa có bệnh hoặc chưa chích ngừa thì nên thu xếp đi chích ngừa vì bệnh này rất dễ bị, năm nay không bị thì năm sau cũng có thể bị, và người lớn cũng nên chích 2 mũi cách nhau 1 tháng mới có tác dụng phòng bệnh bền vững, chích 1 mũi cũng không đủ miễn dịch.

*VOH: Cảm ơn bác sĩ

Phát hiện bệnh thủy đậu (phỏng dạ) qua các triệu chứng: (VOH) - Thủy đậu là căn bệnh phổ biến mà rất nhiều người đã từng mắc phải.
Những thứ cần phải kiêng 100% khi mắc bệnh thủy đậu: (VOH) – Nếu bản thân mắc bệnh thủy đậu hoặc có người nhà mắc bệnh, những thứ sau đây mọi người cần kiêng để mau lành bệnh và tránh biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.