Mùa hè này, nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong trường học luôn rình rập!

(VOH) - Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã yêu cầu các trường tuân thủ quy định trong Bộ tiêu chí an toàn, trong đó có vấn đề an toàn thực phẩm.

TPHCM hiện có 1.974 cơ sở giáo dục, trong đó có 1.280 cơ sở có bếp ăn tập thể tự tổ chức, 112 cơ sở có bếp ăn tập thể thuê nấu, 292 cơ sở nhận suất ăn sẵn. Nhằm tăng cường đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ kéo dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là trong vấn đề an toàn thực phẩm, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã yêu cầu các trường tuân thủ các quy định trong Bộ tiêu chí an toàn, trong đó có vấn đề an toàn thực phẩm.

Các trường học được mở lại căn-tin, bếp ăn bán trú... nhưng phải thực hiện tốt các biện pháp an toàn thực phẩm. Khác với mọi năm, do nghỉ dịch COVID-19 nên năm học kéo dài hơn thường lệ, dù mùa hè đã tới nhưng học sinh vẫn phải đi học, trong khi đó, thời tiết nóng nực của mùa hè thực phẩm dễ bị hư hỏng, ôi thiu.

Vậy nên, trong điều kiện nắng nóng, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trường học rất quan trọng cùng với những khuyến cáo cho học sinh để đảm bảo sức khỏe khi đến trường. Phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố về vấn đề này.

an toàn thực phẩm, trường học

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã yêu cầu các trường tuân thủ các quy định trong Bộ tiêu chí an toàn, trong đó có vấn đề an toàn thực phẩm. (Ảnh: HL)

* VOH: Đối với các trường học tự tổ chức bếp ăn tập thể cho học sinh, Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố có kế hoạch giám sát như thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: Với những bếp ăn trường học, chúng tôi khuyến khích và bắt buộc không chỉ thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mà còn phải đạt những chuẩn cao hơn nữa. Trong các chợ, tiểu thương cũng phải bảo đảm kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Quan trọng là ý thức người bán, nếu làm sai thì bị phạt nặng.

Ngoài chuyện bị phạt còn thấy trách nhiệm của mình với cộng đồng nên chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, triển khai văn bản hướng dẫn để làm tốt nhất. Tôi khuyến khích các đơn vị trong xã hội tự nguyện, tự giác liên kết với nhau: ví dụ nhà cung ứng sản phẩm ở siêu thị hay công ty sản xuất thực phẩm an toàn giới thiệu sau đó ký kết cung cấp sản phẩm cho nhà hàng, khách sạn hay bếp ăn trường học. Họ tự thân vận động kết nối với nhau sẽ làm được hai nội dung quan trọng đó là vừa bảo đảm an toàn thực phẩm cho bếp ăn vừa bảo đảm được đầu ra cho các sản phẩm sạch.

* VOH: Một thực trạng kéo dài luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm đó là hàng rong trước cổng trường, đặc biệt trong mùa hè oi bức rất dễ xảy ra tình trạng ngộ độc. Vấn đề này dưới góc nhìn của bà như thế nào?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: Chúng tôi hết sức chú trọng đến thức ăn đường phố trước cổng trường, bán lung tung khó lòng đảm bảo chất lượng.

Ở đây bản thân nhà trường cũng phải phối hợp với địa phương quản lý và làm cho tốt căn tin ở trường để các cháu không ra ngoài mua trôi nổi. Phụ huynh cũng phải giáo dục con em mình trong việc mua thực phẩm phải mua ở hàng quán sạch sẽ, chất lượng bảo đảm. Chúng ta phải phối hợp với nhau để giải quyết vì việc mất an toàn thực phẩm đối với học sinh bao gồm nhiều yếu tố trong đó nguy hiểm nhất là thực phẩm ngoài cổng trường.

Vấn đề này phụ huynh nên thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn cho con em mình ăn uống sao cho đảm bảo an toàn.

* VOH: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên năm học này kéo dài hơn thường lệ. Dù mùa hè đã tới nhưng học sinh vẫn phải đi học. Bà có khuyến cáo gì trong vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh trong trường học?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: Mùa hè nguy cơ mất an toàn cũng lớn vì khi khí hậu nóng như vậy vi khuẩn rất dễ phát triển. Lo ngại nhất vẫn là hàng quán nhỏ, hàng rong không lưu mẫu, tự kiểm tra kiểm soát như nhà hàng, siêu thị hay những căn tin bài bản. Hơn nữa do thu nhập, nếu lỡ người ta để thực phẩm hôm nay lại rồi bán lại ngày hôm sau sẽ rất nguy hiểm. Điều này rất cần sự chung tay của cộng đồng không chỉ Ban Quản lý an toàn.

Cốt lõi đòi hỏi chúng ta phải ý thức. Đặc biệt gần đây tôi thấy có hiện tượng trữ bánh mì bán lại ngày hôm sau hoặc khi đi dã ngoại học sinh mua bánh mì từ sáng sớm để tới trưa các em học sinh mới ăn thì nguy cơ ngộ độc cũng rất cao. Tuy nhiên, qua tập huấn, tuyên truyền các trường cũng đã đề cao cảnh giác chuyện này nhưng phụ huynh cũng hết sức lưu ý không để các cháu ăn uống tùy tiện vì mùa hè này nguy cơ mất an toàn thực phẩm luôn rình rập.

Trường đại học ngoài công lập đầu tiên tại TPHCM có ngành Dược học đạt chuẩn kiểm định - Tại sự kiện kỷ niệm 21 năm thành lập vừa diễn ra, trường Đại học Nguyễn Tất Thành được Bộ GD-ĐT trao chứng nhận đạt chuẩn kiểm định đối với ngành Dược học của trường.

Trường Đại học Kinh tế - Luật: 50% chỉ tiêu cho kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM - Năm 2020, Trường Đại học Kinh tế – Luật tiếp tục tuyển sinh với 05 phương thức xét tuyển cho 40 chương trình đào tạo trong nước, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh là ...