Chờ...

Nắng nóng cao điểm, cha mẹ chú ý phòng bệnh cho trẻ

(VOH) - TPHCM đang bước vào cao điểm nắng nóng nhất trong năm với nhiệt độ trung bình luôn ở mức 36 - 37 độ C, nhiệt độ ngoài trời lên đến 38 - 39 độ C. Đây là một trong những nguyên nhân khiến trẻ em dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, siêu vi vì sức đề kháng còn yếu.

(Ảnh minh họa: Internet)

Dưới đây là một số bệnh thường xuất hiện trong mùa nắng nóng, các bậc cha mẹ cần chú ý để phòng tránh nhiễm bệnh ở trẻ.

Say nắng

Đây hiện tượng do nhiệt độ và tia cực tím của mặt trời gây ra. Nhiệt độ cao làm giãn mạch não gây ra tăng áp lực sọ và làm nhức đầu, có thể kèm theo nôn mửa hay hôn mê, co giật do ức chế vỏ não.

Cha mẹ phòng say nắng cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước. Cần đặc biệt lưu ý không cho trẻ chơi ngoài nắng nhiều trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Ngoài ra, nên tăng cường các thức ăn có thể hỗ trợ giúp cơ thể chống lại các ảnh hưởng của ánh nắng và chống sự oxy hóa như: các thức ăn giàu caroten (dưa hấu, dưavàng, rau ngò, cải bó xôi...); vitamin E (dầu đậu nành, hạt điều, hạt dẻ...); vitamin C (trà xanh, trái cây tươi, rau cải xanh...).

Ngộ độc thức ăn, tiêu chảy

Trong thời tiết nắng nóng, nếu thức ăn không được bảo quản kỹ và quy trình chế biến không đảm vệ sinh sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em.  

Ăn thức ăn bị hư thiu, uống các loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh hay môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy sẽ khiến các em dễ mắc bệnh tiêu chảy.

Để đề phòng ngộ độc thực phẩm và tiêu chảy, cha mẹ cho trẻ ăn thực phẩm tươi, sạch; ăn chín, uống chín; không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; thức ăn đã nấu chín nên ăn ngay (trong 2 giờ đầu), phải được bảo quản đúng cách, đun kỹ trước khi sử dụng lại; không sử dụng thức ăn quá hạn, bị ôi thiu; rửa sạch tay trước khi chế biến, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến; khám sức khỏe định kỳ…

Nhiễm siêu vi

Mùa nắng nóng cũng là thời điểm làm trẻ dễ bị nhiễm siêu vi gây sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn…

Hiện có hơn 200 chủng siêu vi được phân lập, tuy nhiên hầu hết đều là siêu vi thông thường ít có hại cho trẻ, bệnh có thể tự khỏi trong 5 – 7 ngày nếu được theo dõi và chăm sóc tốt.

Để phòng một số siêu vi nguy hiểm, các bậc phụ huynh nên chủ động cho trẻ tiêm vắc xin ngừa cúm, sởi, thủy đậu, quai bị, rubella…

Viêm màng não

Viêm màng não là tình trạng viêm màng bao quanh não và tuỷ sống (còn gọi là màng não). Bệnh lây qua đường hô hấp, siêu vi trùng hay vi trùng gây bệnh có trong các chất tiết đường hô hấp.

Bệnh viêm màng não có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi và thời điểm nào. Tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ vào mùa nắng nóng hay lúc chuyển mùa vì thời điểm này nhiều trẻ mắc bệnh đường hô hấp và là thời điểm thuận lợi để một số vi trùng và siêu vi trùng xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây viêm màng não.

Để phòng ngừa, cha mẹ nên chăm sóc trẻ kỹ hơn những lúc thời tiết thay đổi, khi trẻ bị viêm hô hấp trên hay bị viêm amidan, viêm họng mủ cần phải điều trị tích cực và đầy đủ dưới sự theo dõi của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý uống thuốc kháng sinh hoặc tự ý bỏ thuốc.

Viêm não nhật bản B

Đây là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh gây dịch về mùa hè do một loại Arbovirus nhóm B gây nên. Vi rút gây bệnh được muỗi truyền từ súc vật sang người.

Bệnh viêm não Nhật Bản có tỉ lệ tử vong khá cao hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề. Biểu hiện thường gặp là: sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, co giật rồi hôn mê nhanh chóng. Một số trường hợp có biểu hiện liệt thần kinh.

Khi trẻ có những biểu hiện trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng sau này.

Phòng ngừa bệnh cần phải giữ môi trường trong sạch, nhà ở thoáng mát, tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ.

Bệnh tay chân miệng 

Bệnh tay chân miệng rất dễ lây 

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh thường do siêu vi trùng đường ruột Coxsackieviruses A16 và enterovirus 71 gây ra. Bệnh chân tay miệng ở trẻ có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt từ trẻ bệnh sang trẻ lành.

Bệnh nguy hiểm thật sự nếu xuất hiện các biến chứng về thần kinh như run chi, co giật, gồng người, hốt hoảng, lơ mơ… nếu gặp những biểu hiện này phụ huynh nên khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời. 

Cho đến nay, chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh.

Sốt xuất huyết 

Triệu chứng của bệnh là trẻ sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Có thể có nổi mẩn, phát ban. Nặng hơn, người bệnh có thể xuất hiện chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt bằng cách ngủ màn.

Bệnh ngoài da

Trẻ hay bị rôm sảy khi thời tiết nắng nóng

Bệnh ngoài da hay gặp nhất là rôm. Đây là hiện tượng viêm các nang tuyến chân lông khiến chúng lồi lên mặt da thành các bọc nước nhỏ, đỏ và ngứa ngáy. Nguyên nhân chủ yếu của rôm là do bít tắc lỗ chân lông bởi các chất bẩn. Đặc biệt khi thời tiết nắng nóng, cơ thể tăng cường hoạt động của các tuyếnmồ hôi và tuyến nhầy trong cơ chế tăng thải nhiệt.

Ngoài rôm sảy, mùa hè nóng ẩm là điều kiện tốt cho các loại nấm phát triển (hắc lào, lang ben, nấm kẽ, nấm tóc...), viêm nang lông, kể cả các ký sinh trùng trên da (ghẻ lở, chấy, rận...) hay kích hoạt các quá trình viêm da do dị ứng (chàm eczema...).

Ngoài việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần kiểm tra thường xuyên những vùng da kín, đặc biệt khi trẻ có biểu hiện ngứa để phát hiện và điều trị sớm các bệnh ngoài da.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đợt cao điểm nắng nóng tại TPHCM có thể kéo dài đến giữa tháng 5. Các bậc cha mẹ, những người chăm sóc cần chú ý hơn trong việc chăm sóc và đảm bảo sức khỏe cho trẻ.