Chờ...

Nên uống nước ép trái cây hay ăn trái cây?

(VOH) – Để khỏe mạnh, chúng ta phải tiêu thụ ít nhất 5 loại trái cây và rau mỗi ngày. Theo một cuộc nghiên cứu, việc ăn trái cây hay uống nước ép trái cây không có sự tương đương vì nhiều lý do.

Thứ nhất, vì lượng calo của việc ăn và uống khác nhau. "Bạn không bao giờ uống nước ép của một loại trái cây duy nhất. Đối với một suất 120 ml nước ép, phải mất hai hoặc ba quả cam. Do đó, bạn tiêu thụ nhiều hơn 2-3 lần lượng calo qua việc uống nước trái cây” - ông George Bray, Trưởng Bộ phận béo phì và chuyển hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Pennington (Mỹ) cho biết.

Ông George Bray nhấn mạnh: “Ai ăn ba quả cam cho bữa sáng? Không ai cả, có lẽ vì trước khi ăn ba quả, chúng ta có thể đã có cảm giác no rồi”.

(Ảnh minh họa: Internet)

"Một cách vô thức, bộ não của chúng ta đếm lượng calo chúng ta ăn. Ít nhất là khi ăn thức ăn cứng. Trong khi đó, không thể đếm thức ăn lỏng - theo công nhận của Irene Margaritis, người đứng đầu đơn vị các rủi ro liên quan đến dinh dưỡng tại Cơ quan quốc gia về An toàn thực phẩm, Môi trường và Lao động (Anses). 

Nếu bạn uống nước ép trái cây hoặc bất kỳ thức uống nào khác ngoài nước, thì ta đã gia tăng lượng calo hàng ngày của mình, mà không nhận ra.

Nước ép trái cây có thể làm gia tăng bệnh tiểu đường và đó không phải là tất cả. "Hầu hết các loại nước ép trái cây đều không có xơ, do đó nước ép trái cây không tương đương với trái cây” - theo Irene Margaritis. 

Ngoài ra, những loại nước ép được hấp thụ nhanh hơn và dẫn đến những thay đổi lớn về tỷ lệ đường và insulin trong máu, theo Qi Sun, thuộc Khoa dinh dưỡng Trường Y tế công cộng Harvard (Mỹ). Điều này có thể giải thích lý do tại sao chúng ta tìm được một mối tương quan giữa việc tiêu thụ nước ép trái cây và các nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. 

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 8/2013, nhà nghiên cứu và nhóm của George Bray đã chỉ ra rằng nếu việc tiêu thụ trái cây làm giảm từ 1-26% (tùy thuộc vào loại trái cây) nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, thì ngược lại việc uống nước ép trái cây làm tăng nguy cơ 8%. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu thừa nhận: "Chúng tôi đã không hỏi loại nước quả nào đã được tiêu thụ và có khả năng là nguy cơ lớn hơn khi nước ép trái cây có chứa thêm đường”.

Và nếu các loại nước ép được tạo thành hoàn toàn từ trái cây, thì nước rượu trái cây còn chứa thêm nước và đường. Nên chúng có lẽ chỉ là có hại cho sức khỏe như các loại soda từng bị chê bai.