Nếu không phòng ngừa từ bây giờ, bệnh tay chân miệng sẽ còn tăng

(VOH) - Bệnh chân miệng là bệnh lưu hành quanh năm tuy nhiên, bệnh lý này đang tăng cao.

So với cùng kỳ năm 2020, cho đến nay trên phạm vi cả nước số mắc tay chân miệng đã tăng 4 lần, đã có 4 trường hợp tử vong.

Bệnh gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Tại khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận của phóng viên cho thấy tình hình bệnh đang gia tăng.

Nếu những tuần trước, trung bình mỗi tuần có khoảng 20 ca nhập viện điều trị tay chân miệng, thì từ đầu tháng 4, số trường hợp đã tăng lên 40 bệnh nhi điều trị nội trú vì bệnh lý này. Trong đó, có nhiều  trường hợp bệnh nặng từ độ 2b đến độ 3 được theo dõi đặc biệt tại phòng cấp cứu với một số biến chứng như giật mình, cao huyết áp...

VOH phỏng vấn Bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1.

* VOH: Thưa bác sĩ, so với cùng kỳ, vì sao lại có hiện tượng đáng lo ngại là bệnh tay chân miệng gia tăng?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thông thường bệnh tay chân miệng sẽ tăng từ tháng 4 đến tháng 6, rồi cuối năm là từ tháng 9 đến tháng 12.

Cuối năm ngoái chúng ta có đợt học sinh nghỉ học vì dịch, con nít ít đi học nên sự giao lưu tạo miễn dịch không có. Năm ngoái số ca bệnh rất thấp, năm nay khi giao lưu đi học lại số ca tăng lên cũng là bình thường.

Thứ hai nữa là năm ngoái một số trẻ không có tiếp xúc nhau vậy nên không có miễn dịch nên năm nay số ca cũng bị nhiều và nặng hơn.

bệnh tay chân miệng, bác sĩ Trương Hữu Khanh, ngày 8 tháng 4 năm 2021
Bác sĩ Khanh lưu ý chủ động phòng bệnh tay chân miệng từ bây giờ

* VOH: Thưa bác sĩ, ghi nhận tại khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 1 như thế nào?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thứ nhất, số ca tăng nhiều so với tuần trước. Bình thường tháng 3, Khoa chỉ có dưới 20 ca thì sang tháng 4 tăng lên 40 ca. Lúc nào cũng có bệnh nặng.

Thông thường các mùa dịch lớn thì tỷ lệ bệnh nặng chiếm từ 10 đến 15%, hiện giờ trong khoa hơn 15% là bệnh nặng. Điều này có thể là do phụ huynh nhận biết nhiều hơn, khi thấy dấu hiệu nặng là đưa vào bệnh viện ngay.

* VOH: Trên mặt bằng chung, có sự khác biệt gì với những trường hợp nặng trong năm nay không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nếu so với những đỉnh dịch của năm 2011, 2013, bệnh nặng không nhiều như vậy.

Năm nay, bệnh nhân đến rất sớm cũng như bác sĩ tuyến trước chuyển bệnh đến rất sớm.

Có lẽ do hiệu ứng từ truyền thông giáo dục sức khỏe tốt nên người dân đưa trẻ đến sớm hơn thời gian trước, chứ không có hiện tượng để rất nặng mới đến.

Điều đó cũng có nghĩa là mình cần tiếp tục tuyên truyền cho người dân.

* VOH: Thưa bác sĩ, tại môi trường trường học, bác sĩ có khuyến cáo như thế nào để kịp thời phát hiện bệnh, tránh trường hợp bé bị tay chân miệng mà vẫn đi học tại trường?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nếu trường nào giáo viên chưa được huấn luyện về bệnh thì nên cập nhật, khởi động lại chương trình huấn luyện kiến thức hữu ích như cách phát hiện ca bệnh tại trường, thời gian cho trẻ nghỉ học, cách thức vệ sinh tại lớp học, vệ sinh đồ chơi…

Huấn luyện giáo dục sức khỏe cho người nhà cách phát hiện trẻ bệnh tại nhà, vệ sinh nơi ở, khu vực trẻ sinh hoạt tại nhà; Cách phát hiện bệnh của những trẻ xung quanh hàng xóm có chơi với trẻ nhà mình để kịp thời báo y tế địa phương.

Có như vậy thì mới giảm tốc độ lây lan. Nếu không phòng ngừa từ bây giờ thì đến tháng 5, tháng 6, bệnh tay chân miệng sẽ còn lên nữa. 

* VOH: Thưa bác sĩ, ngoài bệnh tay chân miệng thì trong mùa nắng nóng, trẻ em và người cao tuổi cần lưu ý như thế nào để có thể bảo vệ sức khỏe?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Mùa nắng nóng, sức đề kháng của người ta giảm rất nhiều bởi vì nóng quá, mất nước, không ăn uống được, lại không bù nước được.

Việc thiếu nước, thiếu ngủ, thiếu ăn... sẽ làm cho sức đề kháng giảm đi.

Nắng nóng sẽ tạo điều kiện cho siêu vi phát triển gây ra sốt siêu vi, gây ra bệnh hô hấp.

Nắng nóng thức ăn không bảo quản được, dễ hư hơn, gây ra bệnh tiêu hóa. Do vậy, mùa nắng nóng phải tạo điều kiện cho em bé ngủ đủ giấc, uống đủ nước, ăn đủ dinh dưỡng.

Riêng người lớn tuổi, việc cung cấp nước cũng khá quan trọng vì người lớn tuổi có khả năng quên cảm giác khát.

Khi thiếu nước cộng thêm mất nước do đổ mồ hôi rất dễ mắc bệnh.

* VOH : Cảm ơn bác sĩ !