Đây là ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của khu vực phía Nam, là thành quả đầy tính nhân văn giữa sự kết hợp khoa học và tình yêu thương.
Nhớ lại ngày khi tham quan Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Sản – Nhi Đà Nẵng – ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam – hình ảnh những bà mẹ trẻ dù mất đi đứa con thân yêu ngay khi chào đời nhưng hằng ngày, họ vẫn đều đặn đến hiến tặng dòng sữa non mát lành cho ngân hàng sữa luôn để lại một ấn tượng sâu sắc với bác sĩ Lê Quang Thanh – Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ.
Các bác sĩ làm việc trong ngân hàng sữa mẹ
Từ cảm nhận sâu sắc về tình yêu thương, ấp ủ cho sự ra đời ngân hàng sữa mẹ cho bệnh viện sản của Thành phố bắt đầu từ đó. Cho đến nay, niềm vui vỡ òa, bác sĩ Lê Quang Thanh xúc động nói: “Có thể nói qua thời gian rất lâu từ năm 2014 từ lúc ý tưởng đầu tiên ra đời vượt qua rất nhiều khó khăn. Đây là ngân hàng sữa mẹ phi lợi nhuận nên chúng tôi khẳng định có sự quyết tâm của tập thể, sự ủng hộ của lãnh đạo cùng sự đồng hành của đơn vị phi chính phủ, đơn vị quốc tế nên ngày hôm nay mới có ngân hàng sữa mẹ ra đời tại TPHCM”.
Thống kê của Bênh viện Từ Dũ cho thấy, trong số 70.000 ca sinh mỗi năm thì đã có từ 6.000 đến 7.000 trẻ sơ sinh non tháng với các bệnh lý đi kèm rất cần nguồn sữa mẹ.
Đâu đó hằng ngày, vẫn có nhiều mẹ vì lo cho con không có nguồn sữa mẹ khi bản thân vì điều kiện bệnh lý không được phép cho con dùng sữa của mình, hay những bé sinh non tháng cần nguồn sữa mẹ dài hạn để đủ khỏe chiến đấu cùng bệnh tật…
Thực tế này là cơ sở để bệnh viện xây dựng chiến lược, rồi từ ý tưởng đến việc triển khai thực hiện thành lập Ngân hàng sữa mẹ là cả một quá trình với nhiều thách thức từ thủ tục hành chính đến kiến thức chuyên môn, thao tác vận hành, công tác vận động nguồn sữa hiến tặng hay chương trình tuyên truyền nuôi con bằng sữa mẹ tại cộng đồng.
Chị Phạm Thị Tuyền, 24 tuổi ngụ tỉnh Đồng Nai, người đầu tiên tặng sữa cho ngân hàng sữa mẹ chia sẻ cảm xúc: “Mình có sữa thì mình hiến tặng, chia sẻ cho những bé sinh non tháng chứ không suy nghĩ gì. Em ở đây gần 3 tuần hiến được 14 lít sữa”.
Khi hay tin ngân hàng sữa mẹ đi vào hoạt động, sáng nay, anh Lê Thanh Khiết, ngụ Quận 1 đã tìm đến bệnh viện để hiến tặng sữa vì vợ anh đang có nguồn sữa mẹ dồi dào: “Em muốn tìm hiểu quy trình để đi hiến sữa vô ngân hàng cho mấy bé thiếu sữa để dùng vì sữa mẹ tốt cho mấy bé. Vợ em sinh được 3 tháng rất nhiều sữa nên em muốn đưa sữa vào ngân hàng vì để ở ngoài tủ lạnh sợ bảo quản không tốt”.
Cho đến nay, khoa học đã chứng minh không có nguồn dinh dưỡng nào tối ưu hơn cho trẻ trong những năm tháng đầu đời ngoài sữa mẹ. Sữa mẹ chính là phao cứu sinh cho những trẻ không có cơ hội tận hưởng nguồn sữa mẹ và vì thế ngân hàng sữa mẹ ra đời tại Bệnh viện Từ Dũ mang tính thực tiễn rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Nhiều trẻ sơ sinh thiếu sữa do mẹ bị bệnh lý, mẹ mổ không đủ sức khỏe cho con bú hay có sữa nhưng không đủ cho con. Ngân hàng sữa mẹ sẽ lưu giữ sữa mẹ mà trong sữa mẹ tỷ lệ các chất dinh dưỡng phù hợp hấp thu của đứa trẻ, có kháng thể miễn dịch giúp trẻ chống bệnh tật nhất là giai đoạn đầu đời”.
So với sữa công thức, sữa mẹ đạt chuẩn vi sinh sau khi loại bỏ các yếu tố lây truyền bệnh, sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho các bé sơ sinh non tháng, bệnh lý không được tiếp cận với nguồn sữa mẹ của chính người mẹ sinh ra ngay từ lúc vừa chào đời, hạn chế thấp nhất tình trạng viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh muộn, giảm thời gian truyền dịch nuôi ăn qua tĩnh mạch.
Không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ, nuôi con bằng sữa mẹ còn làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư vú – hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ.
Khi nguồn hiến tặng dồi dào, ngân hàng sữa mẹ sẽ đảm nhận cung cấp sữa mẹ quý giá cho trẻ sơ sinh, non tháng tại Bệnh viện Từ Dũ và các bệnh viện chuyên khoa sản, nhi khác của Thành phố. Thấm tình với dòng sữa yêu thương, đây chính là thông điệp yêu thương lan tỏa cộng đồng.