Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.201 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, mặc dù dịch Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, tuy nhiên đại dịch chưa kết thúc. Vì vậy, Việt Nam vẫn cần duy trì các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có việc tiêm vaccine phòng Covid-19, tiêm nhắc cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Xem thêm: WHO nhấn mạnh khuyến nghị với Việt Nam trong phòng, chống Covid-19
Ngày 12/5, cả nước 2.439 ca mắc mới, giảm nhẹ so với ngày trước đó. Hôm nay có 964 bệnh nhân khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang thở oxy là 85 ca, trong đó có 75 ca thở oxy qua mặt nạ, 5 ca thở oxy dòng cao HFNC, 5 ca thở máy xâm lấn.
Theo các chuyên gia, hiện các ca Covid-19 là người cao tuổi không xác định chính xác nguồn lây. Tuy nhiên, khả năng cao là người bệnh có thể tiếp xúc với mầm bệnh từ các thành viên trong gia đình. Các thành viên gia đình có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với mầm bệnh lúc đi làm, đi học nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chỉ nghĩ là cảm, sốt, sổ mũi thông thường.
Đồng thời do đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc đã từng mắc bệnh nên cơ thể có kháng thể cao, nhiễm bệnh nhưng thể bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng và lại làm lây tiếp sang nhóm dễ biến chứng trong gia đình. Để bảo vệ cho người có bệnh nền, cao tuổi cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tuân thủ khuyến cáo 2K của Bộ Y tế và tiêm vaccine đủ mũi, đúng lịch.
Các chuyên gia lưu ý, khi có triệu chứng hô hấp (sốt, ho, sổ mũi...) nên test nhanh để tầm soát và biết tự cách ly với mọi người, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.587.829 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.104 ca nhiễm).