Tại họp báo trước thềm Hội nghị khoa học Truyền máu huyết học phía Nam mở rộng lần thứ 7 và Ghép tủy xương - tế bào gốc tạo máu Việt - Pháp lần thứ 7 sáng 24/11, ông Phù Chí Dũng, giám đốc Bệnh viện Truyền máu - huyết học TPHCM, cho hay 10 năm trở lại đây, lĩnh vực ghép tủy xương - tế bào gốc tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Nhiều kỹ thuật ghép mới và trung tâm ghép mới ra đời.
Bệnh viện Truyền máu - Huyết học ngoài áp dụng các kỹ thuật ghép tiên tiến ngang với khu vực và thế giới còn đào tạo, chuyển giao kỹ thuật ghép tế bào gốc cho một số bệnh viện.
Năm 2023, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) được Bệnh viện Truyền máu – Huyết học hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Các bệnh viện trên bước đầu đã thực hiện thành công vài ca ghép với kỹ thuật đơn giản.
Ông Dũng chia sẻ thêm, 10 năm trước, bệnh nhân được chỉ định ghép tủy xương - tế bào gốc tạo máu thường chọn đi các nước như Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) để thực hiện phẫu thuật do chưa tin tưởng vào kỹ thuật tại Việt Nam. Ngày nay, số ca chọn điều trị tại Việt Nam tăng lên, thể hiện sự tin tưởng của bệnh nhân đối với các kỹ thuật ghép ở Việt Nam “đã ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á, và tiệm cận với các nước trong khu vực châu Á”.
Tuy vậy, lĩnh vực này vẫn còn rào cản do hạn chế nguồn tế bào gốc đối với trường hợp dị ghép hoặc ghép đồng loại.
Việt Nam chưa có luật và ngân hàng dành cho người hiến tủy xương - tế bào gốc, khi cần nguồn phải kiếm ở các ngân hàng người hiến trên thế giới, tập trung nhiều ở Đài Loan và Trung Quốc. Đến khi tìm được nguồn hiến, xác suất ghép thành công cũng thấp vì cách biệt lớn về di truyền học, gene...
Ngoài ra còn một số khó khan như việc nhập khẩu một số thuốc hiếm, thuốc đặc trị, làm cản trở việc triển khai kỹ thuật ghép chuyên khoa sâu.
Ông Dũng mong muốn sớm có luật và ngân hàng cho người hiến tủy xương - tế bào gốc. Để có ngân hàng, cần sớm có chính sách, các luật về người hiến tủy xương - tế bào gốc và các văn bản ban hành thực hiện.