Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ngộ độc khí CO – Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý an toàn

(VOH) - Hít quá nhiều khói của một đám cháy hoặc từ một bếp nướng, bạn có thể bị ngộ độc khí CO. Vậy khi bị ngộ độc khí CO nên xử lý như thế nào để an toàn?

Cơ chế gây ngộ độc khí CO

CO (Monoxyt cacbon) là một loại khí không gây kích thích, không vị, không mùi, được sinh ra do sự đốt cháy không hoàn toàn các chất có thành phần carbon như than, dầu diezen và các chất đốt khác.

Nguồn CO trong môi trường còn là khói thuốc lá, khói thải của xe hơi, đun nấu nướng, sưởi bằng than.

ngo-doc-khi-co-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-xu-ly-an-toan-voh-1

Sử dụng bếp than trong phòng kín dễ bị ngộ độc khí CO (Nguồn: Internet)

Khi CO xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp,…Các tổn thương đầu tiên của nhiễm độc CO xảy ra với hệ thần kinh trung ương (vỏ não, nhân dưới vỏ não, đồi thị) kéo theo tổn thương cả thần kinh ngoại biên.

Bên cạnh sự phát triển các tổn thương thần kinh, CO còn gây rối loạn tuần hoàn mạch, làm tăng tính thấm của mạch máu, nhất là các mao mạch, gây xuất huyết ở hàng loạt các cơ quan như não, phổi, đường tiêu hóa.

Như vậy, khí CO là khí rất độc, có thể khiến cơ thể bạn bị thiếu oxy, thậm chí chết ngạt rất nhanh chỉ trong vài giây.

Ai dễ bị ngộ độc khí CO?

Bất cứ ai cũng có thể bị ngộ độc khí CO nếu hít phải khí này. Tuy nhiên, những đối tượng, nghề nghiệp sau đây sẽ dễ bị ngộ độc khí CO hơn:

  • Những người làm nghề sản xuất khí thấp, làm việc với các lò công nghệ như lò cao, lò đốt gạch.
  • Những người làm việc với các động cơ máy móc trong không gian khép kín làm tăng nguy cơ ngộ độc khí CO.
  • Những đối tượng dùng lò nướng ngoài trời để nướng trong nhà.
  • Người thường sử dụng bếp than tổ ong hay than củi, hoặc bếp gas trong nhà đóng kín cửa.
  • Những người để động cơ xe máy nổ trong phòng cũng dễ bị ngộ độc khí CO.

Dấu hiệu bị ngộ độc khí CO

Tùy vào mức độ ngộ độc mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau:

ngo-doc-khi-co-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-xu-ly-an-toan-voh-2

Dấu hiệu ngộ độc khí CO (Nguồn: Internet)

  • Ngộ độc khí CO nhẹ: Người bệnh thấy đau đầu nhẹ, thở dốc, buồn nôn,…các triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trong thời gian dài.
  • Ngộ độc khí CO mức độ trung bình: Người bệnh thấy đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy, bị tê nhiều bộ phận trên cơ thể, thậm chí có thể tử vong nếu mức độ ngộ độc kéo dài.
  • Ngộ độc khí CO nặng: Các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày, bệnh nhân thờ ơ, vô cảm, dần chuyển sang mê sảng, suy giảm trí nhớ, co giật cơ, ngất, đồng tử giãn, phản xạ yếu với ánh sáng, cứng gáy…Trong các trường hợp thuận lợi, bệnh nhân tỉnh dần, khi đó có biểu hiện bứt rứt, kích động.

Xử lý khi bị ngộ độc khí CO

Nếu bản thân bạn hoặc người thân bạn có biểu hiện bị ngộ độc khí CO thì nên:

ngo-doc-khi-co-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-xu-ly-an-toan-voh-3

Khi có dấu hiệu bị ngộ độc khí CO cần nhanh chóng di chuyển đến những nơi thoáng khí để thở (Nguồn: Internet)

  • Di chuyển ra chỗ thoáng để thở không khí trong lành ngay lập tức.
  • Mở toang tất cả các cửa chính và cửa sổ để khí CO bay ra ngoài.
  • Tắt bếp gas, khóa gas hay cắt ngay các lò đang đốt nhiên liệu.
  • Nếu bị nhiễm khí CO nhẹ, chỉ cần vài phút hít thở không khí trong lành là khỏi ngay.
  • Nếu nạn nhân thở yếu hoặc ngừng thở thì cần thực hiện hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt. Sau đó, chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi xe cấp cứu.

Cách phòng tránh ngộ độc khí CO

Để không bị ngộ độc khí CO khi đang làm việc cũng như nấu nướng, sinh hoạt trong gia đình thì bạn nên:

  • Không tự ý một mình xuống các giếng cạn, các hố sâu kín gió, các hồ chứa, bể chứa...Nếu do công việc phải xuống những nơi đó thì cần làm các biện pháp thông khí trước khi xuống như: dùng quạt điện để quạt không khí xuống đáy các nơi này vài chục phút.
  • Tuyệt đối không sử dụng các loại bếp đốt than, củi, khí gas hoặc các động cơ sử dụng xăng dầu, khí gas trong các khu vực thiếu không khí như trong phòng, bếp, nhà tắm…đang đóng kín cửa.
  • Các phòng, bếp có sử dụng các bếp đốt nhiên liệu cần có hệ thống thông khí đầy đủ như quạt hút khí, ống khói, mở cửa…
  • Không bao giờ để xe hơi nổ máy trong gara kể cả khi mở cửa gara.
  • Không chạy máy phát điện trong nhà, trong gara hay ở tầng hầm nhà. Không để máy phát điện phía ngoài nhà gần cửa sổ và cửa chính đang mở.
  • Không dùng khí đốt, than, củi, lò nướng hoặc máy sấy để sưởi ấm trong nhà đang đóng kín.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang hellobacsi.com
Nhận biết tình trạng ngộ độc rượu và cách xử lý nhanh: Lượng rượu bia tiêu thụ vào dịp lễ tết sẽ gia tăng, theo đó là mối nguy cơ về ngộ độc rượu cũng được nhiều chuyên gia cảnh báo. Vậy nếu chẳng may bị ngộ độc rượu chúng ta cần làm gì? 
Ngộ độc thủy ngân nguy hiểm thế nào và cách xử lý: Thủy ngân là một chất độc tích lũy sinh học, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Vậy bị ngộ độc thủy ngân nguy hiểm thế nào và có cách nào để xử lý an toàn?
Bình luận