Người nhiễm Omicron có thể làm tăng khả năng miễn dịch chống lại Delta

(VOH) - Việc nhiễm biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, chống lại biến thể Delta.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Nam Phi cho thấy việc nhiễm biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể chống lại biến thể Delta. Có lẽ điều này có thể giải thích vì sao hiện nay "Omicron đang thay thế Delta".

Người nhiễm Omicron có thể làm tăng khả năng miễn dịch chống lại biến thể Delta 1
Ảnh minh họa: Reuters

Reuters đưa tin, nghiên cứu trên được thực hiện với 33 người đã tiêm và chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Tất cả những người này đều nhiễm biến thể Omicron tại Nam Phi.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người bị nhiễm biến thể Omicron, đặc biệt là những người đã tiêm chủng, đã tăng khả năng miễn dịch đối với biến thể Delta.

Cụ thể, khả năng trung hòa của biến thể Omicron tăng lên 14 lần trong 14 ngày sau khi bắt đầu theo dõi, trong khi khả năng trung hòa biến thể Delta cũng tăng 4,4 lần.

Nhóm nghiên cứu nói rằng, ở những cá thể bị nhiễm Omicron, việc tăng khả năng trung hòa biến thể Delta có thể làm giảm nguy cơ những người này tái nhiễm Delta.

Theo các nhà nghiên cứu, kết quả trên phù hợp với hiện tượng biến thể Omicron đang thay thế Delta vì nó có thể kích thích khả năng miễn dịch, trung hòa biến thể Delta, làm giảm khả năng gây tái nhiễm của biến thể.

Các nhà nghiên cứu nói rằng những tác động của việc Omicron thay thế Delta sẽ tùy thuộc vào khả năng gây bệnh của Omicron có ít hơn Delta hay không. Nếu đúng như vậy, tỷ lệ bệnh chuyển biến nặng sẽ giảm xuống.

Ngày 28/12, giáo sư Alex Sigal tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Châu Phi ở Nam Phi đã tweet rằng, nếu biến thể Omicron ít gây bệnh hơn theo kinh nghiệm ở Nam Phi, "điều này sẽ giúp loại trừ biến thể Delta".

Theo một nghiên cứu trước đó của Nam Phi, những người nhiễm biến thể Omicron có tỷ lệ nhập viện và bệnh chuyển biến nặng thấp hơn so với những người nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng kết quả này nhiều khả năng là do tỷ lệ miễn dịch cao trong cộng đồng.

Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện tại miền Nam châu Phi và Hồng Công vào tháng 11, sau đó lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, đe dọa hệ thống y tế của một số quốc gia.