Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nguồn phát sinh khí CO và cách phòng tránh ngộ độc

(VOH) - Mới đây, một vụ ngạt khí tập thể xảy ra tại TPHCM với nghi vấn là do khí thải từ máy phát điện gây ra, khiến 1 bé gái tử vong.

Thật ra, nguyện nhân chính gây ngạt khi hít phải khí thải động cơ chính là bởi chất khí CO (Carbon monoxide) không màu, không mùi, nhẹ bằng không khí. Khi hít phải khí CO vào cơ thể, nó không gây kích ứng nên khó cảm nhận được vì thế ta dễ mất cảnh giác.

Carbon monoxide có tính liên kết với hemoglobin (Hb) trong hồng cầu mạnh gấp 230-270 lần so với oxy. Khi xâm nhập vào phổi, CO sẽ gắn chặt với Hb thành HbCO. Vì vậy máu không thể chuyên chở oxy đến tế bào. CO còn gây tổn thương tim do gắn kết với myoglobin của cơ tim.

Dấu hiệu ngộ độc khí CO bao gồm nhức đầu, chóng mặt, yếu, buồn nôn, nôn mửa, đau ngực và lú lẫn.

Làm gì khi hít phải khí CO?

Nếu nghi ngờ bị ngộ độc CO, cần nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, lấy khăn thấm nước che kín miệng để không bị ngạt khí, đồng thời gọi cấp cứu hoặc tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế gần nhất tại địa phương. 

Trong trường hợp bản thân người đang ở trong phòng kín mà sử dụng máy phát điện hoặc các loại động cơ thải ra khí độc, khí CO2, thì lúc cơ thể cảm thấy khó thở, hơi choáng thì nên nhanh chóng mở cửa phòng ngay, nếu để lâu cơ thể lịm dần đi. Sau khi mở cửa cần tắt ngay các thiết bị hoặc bước ra ngoài phòng để không bị mệt mỏi do thiếu khí.

Cảnh giác với khí CO từ khói xả từ động cơ
Các loại động cơ đốt trong đều sản sinh ra khí thải độc hại cho sức khỏe và môi trường

Nguồn phát sinh khí CO

Với các loại động cơ sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu...trong thành phần khói xả ra, ngoài khí CO, còn có nhiều khí độc hại với hệ hô hấp của con người như hơi xăng thừa, SO2, NO2, bụi than...Theo tiêu chuẩn thì ở nơi sinh hoạt bình thường, lượng SO2 cho phép là 0,075 mg/m3. Trong khi đó, nếu chạy máy phát điện một giờ trong môi trường kín gió thì lượng khí này lên đến 9 g/m3. 

Nếu người sử dụng máy phát điện đóng kín cửa thì tác hại sẽ chẳng khác gì việc đun than tổ ong trong phòng kín, chỉ sau một giờ là bị ngạt, gây hại thần kinh, hôn mê hoặc tử vong. Đặc biệt, máy phát điện cũ, kém chất lượng thì lượng khí xả càng lớn vì nhiên liệu không được đốt cháy hoàn toàn và chỗ còn thừa sẽ trở thành khí độc.

Do đó, tuyệt đối không sử dụng máy phát điện (hoặc các loại động cơ đốt trong) ngay trong phòng sinh hoạt. Hãy đặt ở ngoài sân, chỗ thoáng khí rồi dẫn dây vào nhà. Đối với nhà không có sân vườn, phải chọn nơi rộng, thoáng để đặt máy.

Riêng môi trường phòng sinh hoạt, phòng ngủ cũng phải bảo đảm có nhiều dưỡng khí để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mọi người, bằng cách mở rộng cửa, thông gió bằng quạt hoặc cửa sổ...

Vì vậy khi mua máy phát điện, các gia đình nên chọn loại có hiệu suất biến đổi năng lượng cao để tiêu thụ tốt số xăng dầu đưa vào, biến nó thành điện thay vì khí thải độc hại. 

Bình luận