Tiêu điểm: Viêm Amidan
Chờ...

Nguy cơ bệnh nặng hơn từ thuốc giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng

VOH - Thời gian gần đây, tình trạng thuốc giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng tràn lan trên thị trường đang là vấn đề gây lo ngại lớn cho cộng đồng.

Thủ đoạn tinh vi

Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố 7 bị can về "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh".Những sản phẩm thuốc kháng sinh này dù bề ngoài không có dấu hiệu bất thường nhưng chứa đựng những chất độc hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.

voh-benh-lien-cau-lon-la-gi-lay-sang-nguoi-qua-con-duong-nao-thumb-3
Người dân nên mua thuốc tại các cơ sở uy tín, đạt chuẩn Ảnh: Tuoitre Online

Đặc biệt, mạng xã hội là công cụ đắc lực để các đối tượng này quảng cáo và tiêu thụ sản phẩm giả. Chúng thường giả danh bác sĩ, chuyên gia để tư vấn và thu mua các loại thuốc ngoại nhập trôi nổi trên thị trường.

Thông qua mạng xã hội, những người này quảng cáo có nguồn thuốc kháng sinh của công ty chính hãng "tuồn" ra tiêu thụ tại đại lý thuốc tây trong cả nước.

Chúng sử dụng hóa chất tẩy xóa thông tin trên vỉ thuốc, in lại nhãn mác giả, hoặc ngâm thuốc vào nước để bong tróc tem nhãn gốc rồi dán tem nhãn giả lên.

Cũng tại Thanh Hóa, trước đó Công an TP cũng khởi tố vụ án liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán giả thực phẩm là thực phẩm chức năng. Sau khi phát hiện, mở rộng điều tra, Công an TP đã khám xét 10 địa điểm là nơi ở, nơi làm việc, sản xuất, cất giấu hàng hóa của nghi phạm tại TP Hà Nội.

Tại đây, công an thu giữ nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng giả gồm hơn 4.000 hộp an cung hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm thành phẩm.

Làm việc với cơ quan công an, bước đầu các bị can khai nhận từ đầu năm 2023 đến khi bị bắt, nhóm này đã sản xuất, bán ra thị trường hơn 20.000 hộp viên an cung hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm giả, với trị giá tương đương khoảng 50 tỉ đồng.

Nguy cơ đe dọa sức khỏe

Việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Cụ thể, một phụ nữ 67 tuổi tại tỉnh Phú Thọ đã phải nhập viện sau khi sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Chỉ sau vài ngày sử dụng, bệnh nhân gặp phải hàng loạt triệu chứng nguy hiểm như rối loạn tiêu hóa, tức ngực, mất ngủ và tê bì tay chân. Khi đến bệnh viện, bà được chẩn đoán bị ngộ độc do thực phẩm chức năng chứa chất cấm.

Người phụ nữ này cho biết, sau nhiều ngày tham dự một hội thảo được tổ chức ở địa phương, người bệnh được một công ty ưu đãi bán rẻ cho 20 lọ thực phẩm chức năng. Khi sử dụng lọ đầu tiên, người bệnh bị rối loạn tiêu hóa.

Khi sử dụng đến lọ thứ 5, ngoài rối loạn tiêu hóa, người bệnh còn cảm thấy tức ngực, mất ngủ, tê miệng môi, tê tay chân, người choáng váng. Tại bệnh viện, người phụ nữ được chỉ định ngưng sử dụng thực phẩm chức năng, điều trị triệu chứng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trung tâm đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm chức năng có chứa các chất cấm như Sibutramine và Phenolphtalein – những chất chỉ được phép sử dụng trong thuốc, nhưng lại bị đưa vào các sản phẩm không kiểm soát được liều lượng và chất lượng. Điều này đã khiến nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm như hôn mê, co giật và tổn thương não.

Giải pháp kiểm soát 

Trước tình trạng nguy hiểm của thuốc giả và thực phẩm chức năng kém chất lượng, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, người dân cần cảnh giác với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là khi mua hàng trực tuyến hoặc tại các nhà thuốc nhỏ lẻ.