Chờ...

Nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vắc xin phòng Covid-19 và tiêm chủng

Theo Bộ Y tế tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Có tình trạng tồn đọng nhiều vắc xin tại Trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vắc xin và tiêm chủng.

Có tình trạng chủ quan, lơ là trong tiêm vắc xin phòng Covid-19; tâm lý sợ trách nhiệm khi không tiếp nhận vắc xin đã được phân bổ

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh vừa diễn ra hôm qua, 20/6, Thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, từ cuối tháng 3/2022 đến nay, dịch Covid-19 có xu hướng giảm tương đối ổn định.

Xem thêm: TPHCM: Số lượng tiêm mũi nhắc lại lần 2 vắc xin phòng COVID-19 tăng hơn gấp đôi tuần trước

Trong những ngày gần đây, cả nước ghi nhận dưới 700 ca/ngày, thấp nhất trong gần 12 tháng qua (thời kỳ đỉnh dịch trên 170.000 ca/ngày). Trong 30 ngày qua, có 21 ngày không ghi nhận ca tử vong.

Nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vắc xin phòng Covid-19 và tiêm chủng 1
Thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, có tình trạng chủ quan, lơ là trong tiêm vắc xin phòng Covid-19; tâm lý sợ trách nhiệm khi không tiếp nhận vắc xin đã được phân bổ (Ảnh: SK&ĐS)

"Tổ chức Y tế thế giới nhận định, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của Covid-19 có thể làm dịch bệnh trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Tại Việt Nam, thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến số ca mắc Covid-19 tăng trong thời gian tới.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, với diễn biến dịch bệnh trên thế giới có thể xảy ra 2 tình huống. Thứ nhất, chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa nhưng đã có miễn dịch cộng đồng nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng;

Thứ hai, biến thể mới nguy hiểm hơn xuất hiện, có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, một số nơi xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là đối với việc tiêm vắc xin, có tâm lý sợ trách nhiệm khi không tiếp nhận vắc xin đã có quyết định phân bổ.

Thậm chí, có tâm lý chủ quan của người dân sau khi mắc bệnh khỏi không muốn tiếp tục tiêm vắc xin do không được cung cấp thông tin cụ thể về việc người đã tiêm chủng đủ các liều cơ bản vẫn cần tiêm nhắc lại do miễn dịch do vắc xin tạo ra giảm theo thời gian, vẫn có nguy cơ mắc bệnh hoặc tái nhiễm khi có biến chủng xuất hiện. Công tác vận động, huy động người dân tham gia tiêm chủng tại địa phương chưa hiệu quả...

"Tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Có tình trạng tồn đọng nhiều vắc xin Covid-19 tại Trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vắc xin và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Xây dựng phương án tiêm vắc xin phòng Covid-19 cụ thể ở từng khu vực, không bỏ sót danh sách người tiêm

Tại cuộc họp này, Lãnh đạo TP. Hải Phòng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Khánh Hòa nêu một số nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3 ở địa phương đạt thấp do thiếu thông tin rõ ràng về tác dụng phụ của vắc xin, công tác truyền thông dịch bệnh thời gian qua giảm đi, mọi hoạt động đời sống, sản xuất, kinh doanh trở lại như bình thường, số ca nhiễm trên địa bàn rất ít, triệu chứng nhẹ, đa phần người dân tự điều trị khỏi; ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, học sinh đã nghỉ hè nên việc vận động học sinh tiêm vắc xin gặp khó khăn…

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, chậm nhất ngày 22/6, Bộ Y tế sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc tiêm vắc xin mũi 4.

Tuy nhiên lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương có văn bản chỉ đạo cụ thể việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4; ngành Y tế xây dựng phương án tiêm cụ thể ở từng khu vực để chủ động rà soát, tổng hợp, thống kê, không bỏ sót danh sách người tiêm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội phải vào cuộc vận động người dân tham gia tiêm chủng.

Đặc biệt, sở y tế các địa phương phải tham mưu việc tiêm vắc xin cho tất cả các đơn vị, cơ quan đóng trên địa bàn, quyết liệt thực hiện tiêm trong các doanh nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, điểm du lịch, cơ sở lưu trú…

Nhấn mạnh một trong những giải pháp kiểm soát dịch bệnh trước đây và trong tương lai là bao phủ tiêm vắc xin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trong việc mở rộng đối tượng tiêm mũi tăng cường (mũi 3, mũi 4), hạ thấp độ tuổi trẻ em được tiêm vắc xin.

Nêu những khó khăn hiện nay trong triển khai tiêm vắc xin, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế phải hệ thống lại tất cả các văn bản để hướng dẫn chi tiết việc tiêm vắc xin tăng cường. Các địa phương thống nhất số lượng mũi tiêm với các nhóm đối tượng cụ thể; đồng thời, tăng cường tuyên truyền các thông tin, đặc biệt về các chủng mới có thể xuất hiện, làm rõ các tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin để vận động người dân đi tiêm an toàn trong thời gian trước mắt và lâu dài. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần gương mẫu trong thực hiện tiêm vắc xin và có chế tài xử lý phù hợp.