Nguy cơ liệt 2 chân từ thói quen gác chân lên táp-lô ô tô

VOH - Một thói quen như gác chân lên táp-lô khi ngồi trên xe ô tô đã khiến một người đàn ông chịu hậu quả nghiêm trọng, liệt hoàn toàn 2 chân sau một vụ tai nạn giao thông.

Bệnh viện E (Hà Nội) mới đây tiếp nhận nam bệnh nhân H. (51 tuổi) trong tình trạng sốc chấn thương, đau dữ dội vùng thắt lưng, kèm theo mất cảm giác ở hai chân. Trước đó, bệnh nhân đang ngồi ghế phụ trên một chiếc xe tải 5 tấn và gác chân lên táp-lô. Khi xe bất ngờ đâm vào cột điện, cơ thể ông bị gập mạnh, dẫn đến tổn thương cột sống nghiêm trọng.

Bs. Phạm Văn Bính, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, chia sẻ:

"Bệnh nhân bị đa chấn thương nặng, bao gồm chấn thương ngực gây tràn dịch màng phổi, chấn thương bụng, và nghiêm trọng nhất là vỡ, trượt đốt sống lưng L3, L4 kèm tổn thương thần kinh nặng, dẫn đến liệt hoàn toàn hai chân."

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nắn chỉnh cột sống và xử lý tổn thương tủy. Tuy nhiên, bệnh nhân cần một quá trình phục hồi chức năng dài hạn để hy vọng cải thiện khả năng vận động.

voh-thumb-16
BS. Phạm Văn Bính, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện E thăm khám cho nam bệnh nhân H. - Ảnh: SK&ĐS

Theo các chuyên gia, gác chân lên táp-lô không chỉ là hành động thiếu an toàn mà còn có thể làm trầm trọng thêm hậu quả khi xảy ra tai nạn giao thông. Túi khí – bộ phận an toàn trên ô tô – chính là một trong những yếu tố khiến chấn thương trở nên nghiêm trọng hơn nếu chân đặt trên táp-lô.

Bs. Bính giải thích: "Túi khí khi bung có tốc độ cực nhanh, từ 160-320 km/h. Nếu chân đặt trên táp-lô, áp lực từ túi khí có thể đẩy đầu gối và chân đập mạnh vào mặt hoặc ngực, gây chấn thương sọ não, gãy xương hoặc tổn thương nội tạng. Ngoài ra, va chạm mạnh có thể khiến chân bị xoắn vặn, chèn ép, dẫn đến các tổn thương nặng nề hơn."

Cảnh báo từ chuyên gia và các hãng xe

Nhiều hãng xe đã đưa ra cảnh báo rõ ràng về nguy cơ từ thói quen này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít người vẫn giữ thói quen gác chân lên táp-lô, đặc biệt khi ngồi ở ghế phụ.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng:

- Túi khí được thiết kế để bảo vệ tính mạng, nhưng nếu ngồi sai tư thế, túi khí có thể trở thành nguyên nhân gây thương tích nghiêm trọng.

Đặc biệt, vị trí ghế phụ thường chịu tác động mạnh trong các vụ va chạm, nên tư thế ngồi đúng là rất quan trọng.

- Tuyệt đối không gác chân lên táp-lô trong mọi tình huống.

- Luôn thắt dây an toàn, ngồi thẳng lưng, và giữ tư thế tự nhiên.

- Khi đi đường dài, nếu cần thư giãn, nên dừng xe tại các điểm nghỉ ngơi thay vì thay đổi tư thế ngồi trên xe.

Trường hợp của bệnh nhân H. là hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả mọi người về việc tuân thủ nguyên tắc an toàn khi tham gia giao thông. Một hành động nhỏ như gác chân lên táp-lô có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí thay đổi cả cuộc đời.

Bình luận