Nguy cơ mắc bệnh Celiac từ chế độ ăn chứa nhiều gluten ở trẻ em

(VOH) - Nếu có chế độ ăn chứa hàm lượng gluten cao trong giai đoạn những năm đầu đời, trẻ em có thể mắc bệnh Celiac - một bệnh lý đường ruột có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho cơ thể.

Bệnh Celiac là một bệnh lý đường ruột gây ra bởi tình trạng nhạy cảm với gluten, một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch, đưa đến viêm và bất sản niêm mạc ruột non. Bệnh có thể gặp ở nhiều độ tuổi với các triệu chứng liên quan tình trạng kém hấp thu như tiêu chảy, tiêu phân mỡ, suy dinh dưỡng và thiếu vitamin. Ngoài ra còn có thể gặp các biểu hiện bệnh lý miễn dịch thứ phát.

Bệnh Celiac đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới

Theo CNN, một nghiên cứu được đăng tải gần đây cho thấy trong vòng 5 năm đầu đời, việc sử dụng thức ăn chứa gluten nhiều hơn mức thông thường sẽ khiến trẻ em dễ mắc phải chứng bệnh Celiac. Theo đó, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng 7,2% theo mỗi gram gluten mà trẻ hấp thụ trong một ngày.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra hơn 6.600 trẻ sơ sinh trong khoảng từ năm 2004 đến năm 2010 ở Mỹ, Phần Lan, Đức và Thụy Điển. Tất cả những trẻ đó đều mang kiểu gen tiềm ẩn dễ mắc bệnh tiểu đường type 1 và bệnh Celiac.

Sau đó, cứ mỗi vài tháng, các nhà nghiên cứu sẽ ghi chép lại lượng gluten mà những trẻ em này hấp thụ cho đến khi chúng đủ 5 tuổi và đem so sánh với nhau để rút ra được lượng gluten cần thiết đáp ứng nhu cầu của những trẻ em khỏe mạnh trong từng độ tuổi.

Kết quả cho thấy trong suốt quá trình nghiên cứu, đã có 1.216 trẻ, tương đương gần 20%, đã mắc phải bệnh tự miễn dịch Celiac. Đây là dấu hiện đầu tiên cho thấy cơ thể đang phản ứng tiêu cực với chất đạm, theo lời tác giả của nghiên cứu là bà Carin Andrén Aronsson - Quản lý nghiên cứu tại đơn vị nghiên cứu tiểu đường và bệnh Celiac ở đại học Lund, Thụy Điển.

Ngoài ra, 450 người tham gia khác cũng mắc phải bệnh Celiac, chiếm 7%. Phần lớn được chẩn đoán bệnh vào độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi.

Với những người được chẩn đoán mắc bệnh Celiac, việc ăn gluten sẽ gây tổn hại đến mô lót của ruột non và cản trở việc hấp thu chất dinh dưỡng. Ứớc tính cho thấy cứ 100 người thì sẽ có 1 người mắc phải bệnh này, ngoài ra thế giới còn khoảng 2 triệu người cũng đang mắc bệnh nhưng không hay biết - theo Tổ chức quốc tế nghiên cứu về bệnh Celiac.

Trong đó, việc sử dụng quá nhiều gluten được cho là nhân tố quan trọng nhất để hình thành nên bệnh Celiac.

Nói không với gluten đang dần trở nên phổ biến trên thế giới

Thực phẩm không chứa gluten ngày càng được ưa chuộng, thậm chí với những người không bị chứng không dung nạp gluten. Kể từ những năm thuộc thập niên 1940, chế độ ăn uống này đã được ‘quảng bá’ như một cách chống béo phì và giúp giảm cân. Thế nhưng, các nhà dinh dưỡng ngày nay không hoàn toàn đồng tình với khẳng định đó.

Theo Trung tâm nghiên cứu bệnh Celiac thuộc đại học Chicago, cách duy nhất để kiềm hãm bệnh Celiac là hoàn toàn không sử dụng gluten. Tuy vậy điều này không hề dễ dàng.

Nguy cơ mắc bệnh Celiac từ chế độ ăn chứa nhiều gluten ở trẻ em

Chế độ ăn cắt bỏ hoàn toàn gluten giúp kiểm soát bệnh Celiac, tuy nhiên điều này không hề dễ dàng. Ảnh: TalkBeauty

Khi các chuyên gia dinh dưỡng loại bỏ gluten, đôi khi họ sẽ gặp phải các vấn đề và dưỡng chất. Thực phẩm nếu không chứa gluten thì thường được thay thế bằng các nguyên liệu như bột năng và tinh bột gạo trắng. Đây đều là những thành phần chứa nhiều calorie, đường và chất béo hơn, và cũng có những tác động tiêu cực nhất định đối với sức khỏe.

Ngoài ra, các thực phẩm chứa gluten cũng có thể chứa nhiều chất xơ và bổ sung các vitamin và chất sắt, vì thế loại bỏ hẳn nguồn dưỡng chất đó vẫn có thể gây ra các vấn đề về hệ tiêu hóa với cả những người không mắc bệnh Celiac.

Để kiểm soát bệnh, các nhà nghiên cứu khuyên các bậc phụ huynh có con nhỏ mang gen bệnh nên giảm bớt lượng gluten tiêu thụ để ngừa bệnh bộc phát. Dẫu vậy, nghiên cứu về “mức gluten an toàn” dành cho những trẻ mang kiểu gen bệnh Celiac vẫn đang còn là câu hỏi dành cho các chuyên gia.