Nhà nước cần bổ sung chính sách để người tự kỷ không bị bỏ lại phía sau
Ngày hội quy hơn 350 trẻ tự kỷ khu vực phía Nam với mục đích ghi nhận công sức của những giáo viên và nhà thực hành trong lĩnh vực tự kỷ, đồng thời là hội thao để trẻ em tự kỷ có thể giao lưu và phát triển kỹ năng, giúp các em khắc phục những khiếm khuyết về vận động, thể lực và là cơ hội để hòa nhập với cộng đồng.
Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển, xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường trước 3 tuổi. Để trẻ tự kỷ và tăng động hòa nhập được với các bạn bình thường khác chúng ta cần tạo điều kiện để các em phát triển tiềm năng, cần phải có sự khuyến khích động viên kịp thời, cần quan tâm chăm sóc trẻ nhiều hơn, nhất là tổ chức những môn thể thao phù hợp để rèn luyện các em.
Đến tham gia ngày hội, chị Phạm Thị Hồng Nhung - phụ huynh của bé Hoàng Phạm Khánh Đăng, năm nay 6 tuổi, ngụ quận Thủ Đức kể, gia đình phát hiện bé mắc chứng tự kỷ khi bé 2 tuổi. Sau nhiều năm kiên trì yêu thương và dạy giỗ, đến nay bé đã phát triển tốt hơn, mặc dù bé chưa đủ tự tin và chủ động, còn lặp lại lời nói của ba mẹ, lại bị tăng động nên rất khó để giữ bé ngồi yên: “Cố gắng yêu thương và theo sát con thôi, tiến bộ cũng ít lắm, nói 100 lần, hoặc 1000 lần thì con nhớ được 1,2 lần. Hy vọng từ từ con sẽ biết. Với các bạn này phải rất kiên nhẫn”.
Cô giáo Nguyễn Thị Quy – Trường chuyên biệt Khai Trí kể lại, khi mới về trường bản thân cô cảm thấy rất nản chí, muốn từ bỏ nhưng càng gần gũi càng thấy thương các bé nhiều hơn. Tuy trong những khiếm khuyết đó có những điểm rất đáng yêu, càng gần gũi càng thấy yêu thương các em nhiều hơn: “Khi đi làm cảm thấy việc dạy dỗ và chăm sóc các em gặp khó khăn nhiều hơn so với khi học trên trường. Các em gặp khó khăn về vận động, ngôn ngữ. Có những bạn ngồi cũng khó khăn, không tập trung, không chú ý và bị tăng động, mất khả năng về cảm giác và không biết đau. Vì vậy phải biết yêu thương và có sự cảm thông và chia sẻ với gia đình của họ”.

Các hoạt động văn nghệ, vui chơi dành cho trẻ tại ngày hội.
Bà Phạm Thị Kim Tâm – Chủ tịch Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam cho biết, dạy trẻ bình thường đã khó, khi dạy trẻ tự kỷ còn khó hơn rất nhiều, giáo viên phải luôn rèn luyện thể chất, phải khỏe, tinh thần phải mạnh mẽ và thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn thì mới gắn bó lâu dài với nghề được: “Cũng muốn giúp cho các trẻ khỏe mạnh, có sức khỏe hoạt động thể chất. Khi cho trẻ ra tham gia thi đấu ở bên ngoài sẽ làm tăng sự tự tin. Bản thân cha mẹ khi đưa con ra ngoài cũng có thêm động lực để dạy con. Đồng thời cảm ơn các thầy cô đã chọn nghề này cũng như đã vất vả chăm sóc và dạy dỗ các con. Đặc biệt là muốn động viên các em ở lâu với nghề vì để đào tạo một giáo viên giỏi, có kinh nghiệm cũng rất khó. Nếu các em nản lòng và không trụ với nghề thì đó là một tổn thất rất lớn”.

Mỗi trẻ tự kỷ không giống nhau, biểu hiện từ rất nặng đến rất nhẹ, nên việc chăm sóc, can thiệp và điều trị trở nên khó khăn và tốn kém, đa phần đều vượt quá khả năng kinh tế của gia đình. Rất nhiều trẻ vì khó khăn kinh tế mà không nhận được bất kỳ hỗ trợ can thiệp nào. Các em luôn cần sự trợ giúp của cộng đồng và xã hội, giúp các em có thêm điều kiện học hành, vui chơi và hòa nhập cuộc sống.
Tiến sỹ - Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm – Chủ tịch Hội đồng quản trị - Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí cho biết, hiện gia đình của trẻ tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn do chi phí để đưa các em đến học tại trường chuyên biệt rất cao. Nhiều gia đình đành phải bỏ cuộc: “Giáo viên cũng thiếu cho nên phải đào tạo giáo viên nhiều hơn, có chế độ chính sách giúp phụ huynh vì nhiều tốn kém lắm.
Khi trẻ chưa tiến bộ mà cho vào một lớp bình thường thì không thể học được. Trêu chọc lẫn nhau, bị cô lập hoặc khó khăn học tập. Vì vậy phải có trường lớp, chế độ có giáo viên đặc biệt. Cho nên các ban ngành phải có sự phối hợp chứ không thể nào một trường nào đó có thể làm được”.

Dẫu khiếm khuyết, dẫu khác biệt, những người tự kỷ đều có thể hạnh phúc theo cách của họ, có thể đóng góp cho xã hội theo cách của họ. Vì vậy, họ cần được trao cơ hội, cần được đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận các điều kiện tồn tại và phát triển, để những người tự kỷ không bị bỏ lại phía sau.
