Viêm gan B là căn bệnh có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người và phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng rất dễ bị lây nhiễm. Trẻ sinh ra từ người mẹ bị nhiễm viêm gan B sẽ có thể gặp phải tình trạng viêm gan mãn tính, dẫn đến xơ gan, ung thư gan về lâu dài.
Phụ nữ nhiễm viêm gan B khi mang thai có nguy hiểm không?
Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng do virus tấn công gan gây ra. Phần lớn phụ nữ nhiễm viêm gan B khi mang thai thường sẽ có diễn tiến bình thường, không gây tử vong. Tuy nhiên, một số trường hợp mẹ bầu bị nhiễm viêm gan B sẽ bùng phát viêm gan cấp tính, tình trạng này có thể xảy ra khi mang thai hoặc sau khi sinh.
Mặc dù, viêm gan siêu vi B không gây nhiều nguy hiểm cho mẹ bầu nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến thai nhi. Mẹ bị viêm gan B khi mang thai, trẻ sinh sẽ có nguy cơ bị viêm gan siêu vi B mãn tính, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy sức khỏe khác.
Phụ nữ mang thai có thể bị nhiễm viêm gan siêu vi B (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai thai nhi cũng có thể gặp phải những nguy cơ như:
- Thai chậm tăng trưởng trong tử cung.
- Thai nhẹ cân.
- Trẻ có nguy cơ sinh non và sảy thai.
- Có thể gây tổn thương gan của bé trong bào thai.
Một số quan niệm sai lầm về bệnh viêm gan B ở phụ nữ mang thai
Có rất nhiều người cho rằng, mẹ bầu bị viêm gan B phải sinh mổ, không thể cho con bú mẹ.... Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trung (Giảng viên trường ĐH Y Dược TPHCM, Trưởng phòng khám Hoàng Gia) đây đều là những suy nghĩ sai lầm.
-
Mẹ nhiễm viêm gan B có cho con bú sữa được không?
Phụ nữ nhiễm viêm gan B sau khi sinh con vẫn có thể cho trẻ bú sữa bình thường, nhất là khi trẻ đã được chủng ngừa vắc-xin, đồng thời cũng được tiêm kháng thể kháng virus siêu vi B.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguy cơ lây nhiễm viêm gan B thông qua sữa mẹ là rất thấp, do đó, các khuyến cáo từ tổ chức Y tế, em bé sinh ra từ mẹ bị nhiễm viêm gan siêu vi B vẫn có thể bú được sữa mẹ.
-
Điều trị viêm gan B khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Thông thường, bà bầu sẽ được điều trị viêm gan B bằng các loại thuốc kháng virus, tuy nhiên phần lớn các loại thuốc này điều không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu có ảnh hưởng đến bào thai, bác sĩ cũng sẽ chuyển đổi thành các loại thuốc không làm ảnh hưởng đến thai nhi.
Các thuốc điều trị viêm gan B cho mẹ bầu thường không gây ảnh hưởng đến thai nhi (Nguồn: Internet)
Một trong những loại thuốc điều trị viêm gan B cho bà bầu không gây ảnh hưởng đến thai nhi đó là thuốc tenofovir disoproxil. Đây là một loại thuốc tương đối an toàn, không gây dị tật thai. Tuy nhiên, điều trị viêm gan B cần phải được thực hiện dựa theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Những mẹ bầu trước khi mang thai nếu sử dụng các loại thuốc khác thì khi mang thai bác sĩ chuyển sang loại thuốc này để đảm bảo an toàn cho thai nhi và người mẹ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa đang điều trị viêm gan siêu vi B.
Ngoài ra cần lưu ý, những mẹ bầu đang điều trị kháng virus trong lúc mang thì sau khi sinh, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ về vấn đề cho bé bú sữa mẹ. Vì trong sữa mẹ vẫn có thuốc kháng virus nên nó sẽ ảnh hưởng đến sữa mẹ, từ đó ảnh hưởng gián tiếp sang con. Mặc dù cho đến bây giờ mức độ ảnh hưởng của những loại thuốc kháng virus trong sữa mẹ đối với em bé là rất ít, nhưng các mẹ vẫn cần được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để được phân tích những mặt lợi - hại khi tiếp tục cho con bú bằng sữa mẹ.
-
Viêm gan B cấp trong giai đoạn hậu sản có gây ảnh hưởng đến trẻ?
Phụ nữ sau sinh do thay đổi hệ miễn dịch bên trong cơ thể nên một số trường hợp có thể sẽ bộc phát viêm gan cấp. Tuy nhiên, trẻ sinh ra thì lại rất hiếm khi bị viêm gan cấp, tình trạng trẻ thường gặp phải nhiều nhất chính là bị nhiễm viêm gan B mãn tính.
Con đường lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con và cách hạn chế lây nhiễm
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, mẹ bầu đang mang thai nhiễm viêm gan siêu vi B thì em bé có thể bị lây truyền qua 3 con đường:
- Lây truyền qua đường máu.
- Lây truyền qua đường sinh nở.
- Qua tiếp xúc cho con bú sữa mẹ (rất hiếm).
Trong 3 con đường lây truyền phổ biến thì lây truyền qua đường máu sẽ gây ảnh hưởng nhiều nhất. Đặc biệt, phụ nữ trong 3 tháng cuối thai kỳ nếu virus viêm gan B tăng sinh, nảy nở nhiều thì nguy cơ lây truyền cho trẻ sẽ càng cao.
Phương pháp làm giảm nguy cơ lây truyền chủ yếu là bằng các biện pháp chủng ngừa cho bé ngay sau sinh bằng cách tiêm vắc-xin, dùng kháng thể miễn dịch. Có khoảng hơn 99% các trường hợp trẻ miễn nhiễm với virus viêm gan B nếu được chủng ngừa đầy đủ sau sinh.
Ngoài ra, khi mẹ bầu thực hiện xét nghiệm vào khoảng 26 – 28 tuần thai kỳ nếu phát hiện nồng độ virus viêm gan B tăng cao thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho mẹ bầu sử dụng các loại thuốc kháng virus để gây ức chế, khiến virus ngưng hoặc giảm hoạt động, từ đó làm giảm nguy cơ lây truyền cho em bé.
Điều trị và phòng ngừa viêm gan B khi mang thai là gì?
Hiện tại đã có nhiều phát đồ giúp phát hiện sớm những mẹ bầu bị nhiễm viêm gan siêu vi B để bác sĩ có thể can thiệp kịp thời đối với những em bé được sinh ra từ những người mẹ này. Dưới đây là các bước điều trị và phòng ngừa cho mẹ bầu bị nhiễm viêm gan B:
- Đầu tiên, khi mẹ bầu khám thai lần đầu tiên trong thai kỳ sẽ được làm xét nghiệm HBsAg để xem mẹ bầu có bị nhiễm viêm gan B hay không. Nếu mẹ bầu không bị nhiễm vẫn được theo dõi thai định kỳ và em bé sau khi sinh ra cũng sẽ được chủng ngừa vắc-xin viêm gan siêu vi B.
Mẹ bầu cần làm xét nghiệm máu để xem mẹ bầu có nhiễm viêm gan B hay không? (Nguồn: Internet)
- Trường hợp kết quả xét nghiệm HbsAg là dương tính thì mẹ bầu sẽ được tiếp tục làm một số xét nghiệm để xem virus có hoạt động hay không, men gan có tăng lên hay không, làm xét nghiệm HBeAg để xem virus có đang hoạt động mạnh hay không, hoặc làm xét nghiệm định lượng HBV-DNA để xem virus này có tăng sinh, nảy nở nhiều hay không. Sau khi thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, mẹ bầu sẽ được theo dõi.
- Đến tuần 26 – 28 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ được xét nghiệm lại để xem virus có hoạt động trở lại hay không. Nếu xét nghiệm cho thấy virus đang hoạt động thì mẹ bầu sẽ được tư vấn sử dụng các loại thuốc để kháng lại virus, ức chế virus khiến nó ngưng hoạt động và làm giảm nguy cơ lây truyền trong lúc mang thai.
Đối với những mẹ bầu dương tính với virus viêm gan B, ngoài việc được điều trị trong lúc mang thai, trẻ sinh ra cũng phải được tiêm ngừa trong vòng 12 giờ sau sinh. Ngoài ra, những em bé này còn được tiêm kháng thể globulin miễn dịch – một loại kháng thể kháng virus viêm gan B, để làm giảm nguy cơ lây truyền từ người mẹ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy mẹ bầu nhiễm viêm gan B sau khi được điều trị bằng thuốc ngay cả trong lúc mang thai và sau khi sinh nếu được chủng ngừa tích cực và đầy đủ thì có đến 99% các em bé sẽ không bị nhiễm virus về sau. Trong trường hợp chỉ chủng ngừa cho trẻ, còn người mẹ không được dùng thuốc kháng virus trong lúc mang thai thì sau khi sinh ra có khoảng 5% các trường hợp em bé sẽ bị nhiễm virus viêm gan B, mặc dù đã được chủng ngừa.
Tiêm vắc-xin phòng ngừa viêm gan B bao lâu mới được có thai?
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung cho rằng, chị em phụ nữ nên thực hiện tiêm ngừa viêm gan siêu vi B trước khi mang thai. Một liệu trình tiêm phòng thường diễn ra trong vòng 6 tháng cho 3 mũi tiêm. Do đó, phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm ngừa viêm gan B ít nhất 6 tháng. Sau 6 tháng chị em có thể mang thai.
Trong ngừa hợp đang tiêm ngừa viêm gan B nhưng lại mang thai thì mẹ bầu vẫn có thể tiếp tục thực hiện liệu trình tiêm ngừa trong giai đoạn thai kỳ.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:
Viêm gan B lây qua đường nào? – Cần biết để tránh bị lây nhiễm : Hiểu rõ việc viêm gan B có lây không, nếu có thì viêm gan B lây qua đường nào sẽ giúp bạn chủ động phòng tránh cho mình cũng như tránh lây nhiễm cho người thân, xã hội khi chẳng may mắc phải.