Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Nhiều trường hợp nhập viện vì uống phải "rượu độc"

VOH – Sau khi uống rượu pha cồn công nghiệp methanol, nhiều người nhập viện, thậm chí tử vong vì loại "rượu độc" này.

Cuối tháng 7, sau một đám cưới tại huyện Thường Tín, Hà Nội, 5 khách mời bị ngộ độc rượu nặng. Nghiêm trọng hơn, một người đã tử vong tại nhà do các triệu chứng đau bụng dữ dội và nôn ra máu. Bốn người còn lại phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mệt mỏi, chóng mặt và đau đầu.

Ngoài các món ăn chung tại bữa tiệc, 5 người cùng uống rượu ngâm táo mèo. Mỗi người đã tiêu thụ từ 0,5 đến 1 lít rượu này. Kết quả xét nghiệm cho thấy, loại rượu này chứa đến 34% methanol gây ngộ độc cho người sử dụng.

Một trường hợp ngộ độc tương tự đã được ghi nhận tại Bình Phước cũng để lại hậu quả vô cùng nặng nề khiến 1 người tử vong, 3 người phải đi cấp cứu.

Chiều tối 12/7, gia đình anh N.X.H. (40 tuổi) tổ chức ăn nhậu tại nhà. Sau khi tiêu thụ hết 6 chai rượu, 1 chai khoảng 500ml, anh bắt đầu có những biểu hiện bất thường như mệt mỏi, đau đầu và nôn mửa. Tình trạng sức khỏe của họ ngày càng xấu đi và đến sáng 14/7, anh H. đã không qua khỏi. Những người còn lại bao gồm cả vợ con anh H. có các biểu hiện tương tự đã nhập viện tại Bệnh viện Quân y 175 (TPHCM).

Bác sĩ Võ Thành Hoài Nam, Phó trưởng khoa Thận Lọc máu, cho biết có khả năng bệnh nhân không uống rượu methanol nguyên chất mà pha trộn với ethanol.Trong mẫu rượu có kèm theo chất ethanol đã làm giảm tốc độ chuyển hóa và đào thải metanol. Quá trình chuyển hóa chậm này đã khiến các biểu hiện lâm sàng của ngộ độc methanol xuất hiện muộn hơn.

voh-benh-lien-cau-lon-la-gi-lay-sang-nguoi-qua-con-duong-nao-thumb (4)
Rượu pha không có nguồn gốc rõ ràng - Ảnh sưu tầm

Vì sao Methanol lại gây nguy hiểm ?

Methanol, một chất hóa học công nghiệp, vốn được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, do giá thành rẻ và dễ kiếm, methanol đã trở thành "con dao hai lưỡi",  khi vào cơ thể, methanol sẽ chuyển hóa thành các chất độc hại, gây tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan nội tạng.

Nhiều kẻ xấu lợi dụng methanol pha trộn vào rượu để kiếm lời, chất methanol độc gấp nhiều lần so với ethanol. Khi vào cơ thể, methanol sẽ chuyển hóa thành các chất độc hại, gây tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan nội tạng, đặc biệt là mắt, thần kinh và tim mạch, gây ngộ độc nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Phòng ngừa ngộ độc 

Để phòng tránh ngộ độc methanol, người dân chú ý :

- Chỉ mua rượu ở những nơi uy tín: Tránh mua rượu tại các địa điểm không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ chứng minh chất lượng.

- Quan sát kỹ bao bì: Kiểm tra kỹ nhãn mác, hạn sử dụng và các thông tin khác trên bao bì sản phẩm.

- Không uống rượu pha chế không rõ nguồn gốc: Tránh uống các loại rượu pha chế không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Nếu có dấu hiệu ngộ độc, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất: Các triệu chứng ngộ độc methanol thường xuất hiện muộn, vì vậy cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu bất thường.