Chờ...

Nhịp Sống Khỏe 12/01: Sẽ xử lý cơ sở livestream bán thuốc qua mạng | Tử vong do ăn thịt cóc

VOH - Cô gái trẻ nguy kịch sau phẫu thuật thẩm mỹ; Phòng ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus cho trẻ; JN.1 đang là biến thể chủ đạo của COVID-19 tại Thái Lan… là các tin nổi bật khác.

TPHCM sẽ chấn chỉnh các cơ sở livestream bán thuốc qua mạng

Thông tin về việc bán thuốc qua mạng xã hội, livestream (phát trực tiếp trên mạng) vừa được ông Nguyễn Hải Nam - phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 11-1.

Theo quy định, việc kinh doanh dược là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, cơ sở kinh doanh dược phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và phải thực hiện đúng phạm vi kinh doanh được quy định trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.

"Hiện nay, kinh doanh dược trực tuyến chưa được pháp luật công nhận. Bán thuốc bằng hình thức livestream là hành vi vi phạm pháp luật", ông Nam nhấn mạnh.

Thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có) ngay sau khi nhận được phản ánh.

ban hang online
Bán thuốc bằng hình thức livestream là hành vi vi phạm pháp luật - Ảnh minh họa ( Quốc Tuấn)

3 anh em ngộ độc do ăn thịt cóc

Ngày 11-1, khoa hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (Gia Lai) tiếp nhận 3 anh em ngộ độc do ăn thịt cóc và trứng cóc. Hiện 2 trẻ đã tử vong, 1 em đang cấp cứu.

Sáng cùng ngày, em S.N. (11 tuổi, trú thôn Tào Roong, xã La Pal, huyện Chư Sê) chế biến thịt cóc và trứng cóc ăn. Ngoài ra, 2 em của S.N. là S.H. (4 tuổi) và S.T. (6 tuổi) cùng ăn thịt cóc.

Ngay sau khi có biểu hiện ngộ độc, các em được đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, 2 em đã tử vong trước khi vào viện, chỉ còn em S.T. hiện đang được điều trị tích cực tại khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi Gia Lai.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ăn thịt cóc, đặc biệt là trẻ em. Nếu ăn phải thịt cóc bị ngộ độc, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

thit coc
Nhiều vấn đề nguy hại từ việc ăn thịt cóc - Ảnh minh họa ( Quốc Tuấn)

Cô gái trẻ nguy kịch sau phẫu thuật thẩm mỹ

Ngày 11-1, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay đã tiếp nhận cấp cứu một cô gái 26 tuổi nguy kịch sau phẫu thuật làm đẹp.

Cô gái phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (TPHCM) đặt túi ngực 2 bên, gọt góc hàm, hạ gò má, nhổ răng khôn. Sau đó, bệnh nhân được chuyển viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, phải bóp bóng giúp thở hỗ trợ hô hấp.

Tại Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ xác định bệnh nhân xuất huyết não mức độ nặng. Bệnh nhân tiếp tục thở máy, được dùng các thuốc vận mạch, thuốc hạn chế mức độ lan rộng của ổ tổn thương. Tuy nhiên, sau 24 giờ vào viện, tình trạng bệnh nhân vẫn không có dấu hiệu cải thiện, tiên lượng rất nặng, gia đình xin đưa về trong tối ngày 10-1.

Phòng ngừa tiêu chảy cấp cho trẻ trong thời tiết nồm ẩm

Thời tiết nồm, ẩm và lạnh là điều kiện thuận lợi để virus phát triển và gây bệnh. Đây cũng là khoảng thời gian trẻ dễ mắc tiêu chảy cấp do Rotavirus.

Bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus lây truyền theo đường tiêu hóa thông thường. Đáng lưu ý, không thể tiêu diệt Rotavirus bằng cách rửa xà phòng thông thường, Rotavirus cần các dung dịch diệt khuẩn có cồn để loại bỏ hoàn toàn.

Khi trẻ tiếp xúc với bề mặt (bàn ghế, đồ chơi, vật dụng trong gia đình…) rồi đưa tay lên miệng, Rotavirus sẽ xâm nhập vào hệ thống tiêu hóa của trẻ và gây bệnh. Tiêu chảy cấp do Rotavirus thường gây dịch tễ nhỏ trong bếp ăn tập thể, trường học…

Cha mẹ có thể phòng bệnh cho trẻ bằng việc tiêm vaccine đầy đủ, trong thời tiết giao mùa dịch bệnh dễ bùng phát nên vệ sinh nhà cửa bằng dung dịch Cloramin B, vệ sinh chân tay cho trẻ thường xuyên. Nếu trong nhà có trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus cần vệ sinh bồn cầu sau khi trẻ đi vệ sinh, cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà và không nên đến nơi đông người để lây nhiễm cho các trẻ khác.

tieu chay cap
Phòng ngừa tiêu chảy cấp - Ảnh Cục Y tế dự phòng

JN.1 đang là biến thể chủ đạo của COVID-19 tại Thái Lan

Nhà virus học nổi tiếng của Thái Lan, Giáo sư Yong Poovorawan ngày 11/1 cho biết biến thể JN.1 của virus SARS-CoV-2 đang là biến thể phổ biến tại nước này. Biến thể này có khả năng lây truyền cao nhưng lại có triệu chứng nhẹ.

Theo ông, những người nhiễm chủng JN.1 sẽ không có triệu chứng nghiêm trọng. Một số người chỉ bị cảm lạnh và đau họng, giống như các bệnh về đường hô hấp thông thường. Tuy vậy, do chủng JN.1 có khả năng lây truyền cao và có thể lây nhiễm nhiều lần nên số ca mắc COVID-19 dự kiến sẽ tăng cao, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Năm mới.

Năm ngoái, tại Thái Lan có 652.868 ca mắc COVID-19, với 848 ca tử vong liên quan đến căn bệnh này. Chuyên gia dự báo sẽ số ca mắc COVID-19 năm nay tại Thái Lan cũng tương đương mức năm ngoái.

TTYK 2023