Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Nhịp Sống Khỏe 12/3: Cô gái nuốt ghim hồ sơ gần 2cm vào bụng | Đau khớp ngón tay vì sử dụng thiết bị điện tử

VOH - Những bệnh lý nguy hiểm ở trẻ trong mùa nắng nóng; Khám sàng lọc Glaucoma cho gần 1.000 người; 9 người tử vong sau khi ăn thịt rùa biển… là các tin nổi bật khác.

Những bệnh lý nguy hiểm ở trẻ trong mùa nắng nóng

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Thị Ngọc Phú, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là điều kiện thuận lợi bùng phát một số bệnh về lây nhiễm qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn; say nóng, say nắng; các bệnh về da (rôm sảy, viêm da do nhiệt, viêm da dị ứng…).

Bác sĩ Phú lưu ý, khi trẻ đang hoạt động trong môi trường nóng kéo dài kèm theo các biểu hiện như sốt cao, da khô nóng, mạch nhanh, thở nhanh; nôn ói; lừ đừ, lơ mơ; đi đứng không vững hoặc hôn mê, co giật đây là dấu hiệu của trẻ bị sốc nhiệt.

Còn khi trẻ có các triệu chứng như sốt, nôn ói, tiêu lỏng nhiều lần, đau bụng, tiêu đàm máu… và một số dấu hiệu đặc trưng khác tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn) là các bệnh lý của đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp do virus, ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh nhiễm trùng đường ruột khác như lỵ, tả.

Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: trẻ không tỉnh táo, lừ đừ; không uống được, bỏ bú; không có nước tiểu trong vòng 6 - 8 giờ, khóc không có nước mắt, da, môi khô, mắt trũng. Trẻ bị tiêu chảy trên 2 ngày không giảm; tiêu chảy có sốt, đau bụng, nôn ói, phân có máu.

Nhịp Sống Khỏe 12/3: Cô gái nuốt ghim hồ sơ gần 2cm vào bụng | Đau khớp ngón tay vì sử dụng thiết bị điện tử 1
Nắng nóng khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Ảnh: Baotintuc

Khám sàng lọc Glaucoma cho gần 1.000 người

Chiều 11/3, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Trung tâm Mắt của đơn vị sẽ tổ chức khám sàng lọc Glaucoma cho gần 1.000 người. Đây là hoạt động ý nghĩa, nhân văn diễn ra từ 11 đến 17/3 nhân 'Tuần lễ Glaucoma thế giới'.

Trung tâm Mắt dự kiến triển khai hơn 200 lượt khám cho thành viên Hội người cao tuổi có nguy cơ Glaucoma của phường Vĩnh Ninh, Phước Vĩnh; Khám cho gần 250 bệnh nhân tránh bị bị bỏ sót chuẩn đoán Glaucoma tại Khoa Nội nội tiết – hô hấp, Nội tổng hợp lão khoa, Nội tim mạch, Nội thận cơ xương khớp; Khám và tư vấn các bệnh về mắt cho gần 500 người tại tầng 4 của đơn vị.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2010, nguyên nhân hàng đầu gây mù là do đục thể thủy tinh chiếm 51%, đứng thứ hai là bệnh lý Glaucoma chiếm 8%. Ước tính dân số từ 40 - 80 tuổi mắc bệnh Glaucoma từ 76 triệu người vào năm 2020 tăng lên 111,8 triệu người vào năm 2040 và sự gia tăng này chủ yếu diễn ra ở người dân châu Á, châu Phi.

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra quốc gia các bệnh lý mắt gây mù ở người trên 50 tuổi năm 2007 cho thấy, tỷ lệ mù hai mắt do Glaucoma chiếm khoảng 6,5%, đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù có thể phòng tránh được.

Nhịp Sống Khỏe 12/3: Cô gái nuốt ghim hồ sơ gần 2cm vào bụng | Đau khớp ngón tay vì sử dụng thiết bị điện tử 2
Khám, tư vấn các bệnh về mắt tại Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế

Cô gái nuốt ghim hồ sơ gần 2cm vào bụng

Ngày 11/3, BS. Hoàng Việt Dũng – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, BV Hữu Nghị cho biết, các bác sĩ đã lấy ra ghim hồ sơ dài gần 2cm trong bụng nữ bệnh nhân 24 tuổi, ở Hà Nội.

Theo BS. Dũng, bệnh nhân có hiện tượng đau bụng âm ỉ hạ vị, đau tăng, không sốt, bí trung tiện, khám hạ vị ấn đau, có phản ứng. Các bác sĩ tiếp nhận khám và thực hiện chụp CT phát hiện có dị vật đã đâm thủng thành ruột non, vào trong ổ bụng. Tổn thương là khối mạc nối bọc đoạn ruột non, gỡ ra thấy có giả mạc và ít dịch mủ, thấy một dị vật kim loại, giống đinh ghim. Bác sĩ khẩn trương lấy bỏ dị vật, khâu lỗ thủng nội soi.

Theo BS. Hoàng Việt Dũng, người dân thường bị hóc các dị vật là tăm, xương gà, dao lam, viên thuốc chưa bóc vỏ, thậm chí là bàn chải đánh răng, nắp chai bia… Đa số các trường hợp bị hóc dị vật chủ yếu là người cao tuổi và thường do sơ ý trong quá trình ăn uống.

Đa số các bệnh nhân vị hóc dị vật đều trong trạng thái vô ý mắc phải nên lời khuyên của các bác sĩ là không nên đùa giỡn hay làm nhiều việc cùng lúc khi ăn. Nên ăn uống tập trung, điềm đạm để tránh hóc dị vật.

Nhịp Sống Khỏe 12/3: Cô gái nuốt ghim hồ sơ gần 2cm vào bụng | Đau khớp ngón tay vì sử dụng thiết bị điện tử 3
Sau mổ một, bệnh nhân ngày đã trung tiện, đi lại bình thường. Dự kiến sau 5 ngày bệnh nhân có thể ra viện. Ảnh: SKĐS

Đau khớp ngón tay vì sử dụng thiết bị điện tử

Theo các bác sĩ, sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử có nguy cơ đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp, nhất là các khớp ở ngón tay, cổ tay. Sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử còn làm trẻ bị ảnh hưởng tới mắt và khả năng tập trung trong học tập.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bác sĩ từng gặp rất nhiều bệnh nhân là học sinh học cấp 2 mà đã đau các khớp ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái do chơi điện thoại quá nhiều, có cháu có biểu hiện bị viêm gân. Với những trường hợp này, chỉ khoảng 5-7 năm nữa, ở tuổi ngoài 20, các khớp nhỏ ở ngón tay sẽ bị thoái hóa.

Các bác sĩ cảnh báo, việc sử dụng điện thoại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là trẻ em, gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe sau này. Tiếp xúc nhiều với điện thoại thông minh không chỉ ảnh hưởng tới thị lực, hệ thần kinh của trẻ mà còn ảnh hưởng tới cổ, lưng, vai, khuỷu tay , cổ tay và các ngón tay của trẻ.

Hiện nay, nhiều cháu nhỏ thường sử dụng điện thoại, máy tính bảng liên tục 2-3 giờ, thậm chí có trường hợp ngoài giờ ăn và ngủ ra lúc nào cũng cầm điện thoại. Các hoạt động quá mức này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến gân cơ vùng ngón tay, bàn tay và đặc biệt là các khớp vùng ngón tay cái.

Nhịp Sống Khỏe 12/3: Cô gái nuốt ghim hồ sơ gần 2cm vào bụng | Đau khớp ngón tay vì sử dụng thiết bị điện tử 4Các bác sĩ cảnh báo, việc sử dụng điện thoại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là trẻ em, gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe sau này. 

9 người tử vong sau khi ăn thịt rùa biển

8 trẻ em và một người lớn tử vong sau khi ăn thịt rùa biển trên đảo Pemba thuộc quần đảo Zanzibar. 78 người khác cũng được đưa đến bệnh viện.

Bác sĩ cho biết người lớn tử vong trong vụ việc vào hôm 8/3 được xác định là mẹ của một trong những trẻ em tử vong trước đó. Ông cho biết thêm các nạn nhân ăn thịt rùa biển hôm 5/3, theo Guardian. 

Giới chức trách ở Zanzibar, khu vực bán tự trị của quốc gia Tanzania ở Đông Phi, đã cử một đội quản lý thảm họa tới địa phương. Người dân địa phương được khuyến cáo tránh ăn rùa biển.

Trước đó, vào tháng 11/2021, bảy người, trong đó có một trẻ ba tuổi, đã tử vong ở Pemba sau khi ăn thịt rùa và ba người khác phải nhập viện.