Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhịp Sống Khỏe 16/1: Bị cắt 3m ruột do xuất huyết tiêu hóa | Nhiều ca viêm phổi nặng nhập viện

VOH - Thai phụ 18 tuổi can trường chiến đấu với ung thư buồng trứng, vỡ òa hạnh phúc được làm mẹ; Ghép thận thành công cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối... là các tin nổi bật khác.

Người đàn ông bị cắt 3m ruột do xuất huyết tiêu hóa hiếm gặp

Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) vừa điều trị thành công ca bệnh xuất huyết tiêu hóa hiếm gặp, cứu sống bệnh nhân Q.P.T (36 tuổi, Cà Mau). Trước đó, bệnh nhân từng bị tắc tĩnh mạch cửa do huyết khối vào năm 2021 và đã ngừng điều trị sau 6 tháng dùng thuốc chống đông. Ngày 14/12/2024, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch với đau bụng dữ dội, thiếu máu nặng, huyết áp tụt và lơ mơ.

Chẩn đoán xác định bệnh nhân bị tắc mạn tính tĩnh mạch cửa, dẫn đến dị dạng và thông nối động-tĩnh mạch ruột, gây xuất huyết nghiêm trọng. Cuộc phẫu thuật kéo dài 12 giờ, huy động 4 kíp bác sĩ chuyên khoa phối hợp thực hiện. Họ đã cắt bỏ gần 3 mét ruột non chứa dị dạng mạch máu, tạo cầu nối tĩnh mạch, và khôi phục lưu thông ruột.

Sau hậu phẫu, bệnh nhân hồi phục tích cực, ăn uống và tiêu hóa bình thường, không còn chảy máu tiêu hóa và đang ổn định với thuốc chống đông máu. Đây là ca bệnh rất hiếm gặp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và chuyên môn cao từ đội ngũ y tế.

Nhiều ca viêm phổi nặng nhập viện và cảnh báo từ chuyên gia

Hiện nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị gần 20 bệnh nhân viêm phổi nặng, trong đó nhiều trường hợp phải thở máy và lọc máu liên tục. Các bệnh nhân thuộc nhiều độ tuổi, đặc biệt là người già, trẻ em, người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch.

Một số ca điển hình như ông T. (62 tuổi, Hà Nội) mắc viêm phổi nặng do nhiễm cúm A và nấm Aspergillus, hậu quả của việc lạm dụng corticoid kéo dài. Ông nhập viện trong tình trạng nguy kịch, SPO2 chỉ đạt 47%, và phải thở máy, điều trị kháng sinh và kháng nấm tích cực. Hay bệnh nhân N.V.T. (48 tuổi, Thanh Hóa) có tiền sử xơ gan, nhập viện vì viêm phổi thùy phải, sốc nhiễm khuẩn, được điều trị bằng lọc máu và thuốc hỗ trợ tuần hoàn.

Theo ThS.BS Trần Văn Bắc, viêm phổi đặc biệt nguy hiểm với người suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh nền. Ông khuyến cáo tiêm phòng cúm và vaccine phế cầu, giữ vệ sinh cá nhân, và điều trị bệnh nền đúng cách để giảm nguy cơ mắc và biến chứng.

Nhiều ca viêm phổi nặng nhập viện và cảnh báo từ chuyên gia- Ảnh 2.
Điều trị cho bệnh nhân mắc viêm phổi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Ảnh: BVCC

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phẫu thuật gãy cột sống cổ phức tạp chỉ qua đường mổ 1cm

Bệnh viện Bạch Mai vừa ghi dấu ấn trong y học Việt Nam khi lần đầu tiên thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi vít trực tiếp mỏm nha cho bệnh nhân bị gãy cột sống cổ phức tạp. Đây là một bước tiến quan trọng, mang lại nhiều hy vọng cho các bệnh nhân trẻ gặp chấn thương nghiêm trọng.

Bệnh nhân đầu tiên, anh Phạm Tiến Vũ (26 tuổi, Thái Bình), bị tai nạn giao thông dẫn đến gãy mỏm nha – một tổn thương nguy hiểm dễ gây liệt tủy. Thay vì phương pháp mổ mở truyền thống, các bác sĩ đã áp dụng phẫu thuật nội soi qua đường mổ chỉ 1cm, giúp bảo tồn vận động tự nhiên của khớp cổ, giảm nguy cơ biến chứng và rút ngắn thời gian hồi phục.

Chỉ sau một ngày, bệnh nhân đã có thể đi lại và sinh hoạt bình thường. Thành công này không chỉ nâng cao tỷ lệ thành công (90-95%) trong điều trị chấn thương cột sống cổ mà còn đánh dấu sự phát triển vượt bậc của y học Việt Nam, mang lại cơ hội điều trị an toàn, hiện đại cho người bệnh.

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phẫu thuật gãy cột sống cổ phức tạp chỉ qua đường mổ 1cm- Ảnh 2.
Hình ảnh ống phẫu thuật nội soi được đưa qua vết mổ 1 cm - Ảnh: SK&ĐS

Ghép thận thành công cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp cùng chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy vừa ghép thận thành công cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Bệnh nhân L.T.H (57 tuổi, Đồng Tháp), được chẩn đoán suy thận từ năm 2022 và lọc máu định kỳ từ tháng 9/2024, đã nhận thận hiến từ em trai ruột.

Ca phẫu thuật, kéo dài 5 giờ, sử dụng kỹ thuật nội soi ổ bụng để lấy thận từ người hiến và ghép vào hố chậu phải của bệnh nhân. Ngay sau khi nối mạch máu, thận hoạt động tốt với nước tiểu xuất hiện ngay trên bàn mổ. Hiện sức khỏe bệnh nhân phục hồi khả quan, các chỉ số xét nghiệm gần như bình thường. Người hiến thận cũng ổn định và đã xuất viện.

Đây là ca ghép thận thứ 7 tại bệnh viện, với toàn bộ các trường hợp trước đều phục hồi tốt. Bệnh viện được công nhận là trung tâm ghép thận thứ 26 tại Việt Nam và dự kiến tiếp tục phát triển kỹ thuật ghép gan vào năm 2027, đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế hiện đại cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thai phụ 18 tuổi can trường chiến đấu với ung thư buồng trứng, vỡ òa hạnh phúc được làm mẹ

Chị Nguyễn Trần Khánh Linh (18 tuổi, Nghệ An) vừa trải qua hành trình đầy nghị lực chiến đấu với ung thư buồng trứng khi mang thai 5 tháng. Đến nay, chị đã hoàn thành phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư và chuẩn bị kết thúc đợt hóa trị cuối cùng, với kết quả điều trị khả quan. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, chị luôn giữ tinh thần lạc quan, nhờ sự động viên từ gia đình và sự chăm sóc tận tâm của đội ngũ y bác sĩ.

Con của chị sinh ra khỏe mạnh, được gia đình chăm sóc trong thời gian chị điều trị. Theo TS.BS Nguyễn Văn Thắng, tiên lượng khỏi bệnh của chị Linh đạt khoảng 90%, và chị vẫn có khả năng mang thai nhờ tử cung còn nguyên vẹn.

Bác sĩ Thắng cũng cảnh báo ung thư phụ khoa đang trẻ hóa và khuyến nghị phụ nữ duy trì lối sống lành mạnh, khám tầm soát định kỳ, tiêm ngừa HPV và chú ý các dấu hiệu bất thường. Phát hiện sớm là yếu tố then chốt để điều trị thành công các bệnh ung thư phụ khoa, đặc biệt là ung thư cổ tử cung.

Thai phụ 18 tuổi can trường chiến đấu với ung thư buồng trứng, vỡ òa hạnh phúc được làm mẹ - Ảnh 4.
Chị Linh và con trai , em bé chào đời khoẻ mạnh nặng 3,2kg - Ảnh do nhân vật cung cấp
Bình luận