Chờ...

Nhịp Sống Khỏe 21/3: Cấp cứu thành công thai phụ nhau bong non thể nặng | Cả nhà nhập viện vì bình ga mini phát nổ

VOH - Cứu sống cụ ông trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở; Kịp thời cứu bé trai thoát vị bẹn nghẹt; Số ca mắc tay chân miệng tăng… là các tin nổi bật khác.

Cả nhà nhập viện vì bình ga mini phát nổ

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết nơi đây đã tiếp nhận một bé gái bị bỏng nặng vì bình ga mini. Bệnh nhân là em L.K.H.M (27 tháng tuổi).

Khai thác bệnh sử ghi nhận tai nạn xảy ra khi cả gia đình đang ngồi ăn cơm quanh bếp ga mini. Đột nhiên bếp phát nổ khiến bé M. và cha mẹ, ông bà đều bị bỏng. Ông bà bị thương nhẹ hơn nên được điều trị tại bệnh viện địa phương. Trong khi đó, bé M. và cha mẹ bỏng nặng, được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi sơ cứu ở tuyến dưới.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trẻ biểu hiện sốc với mạch nhẹ chi mát, huyết áp khó đo, diện tích bỏng khoảng 40% ở tay, chân, mặt, ngực bụng. Các bác sĩ truyền dịch chống sốc cho trẻ, hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc giảm đau và chăm sóc vết thương. Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến Khoa Bỏng - Chỉnh hình điều trị tiếp.

Sau 10 ngày điều trị, tình trạng vết thương của bé M. cải thiện và lành dần. Bác sĩ Tiến cũng cho hay cha mẹ của bé M. đang hồi phục và tiếp tục được điều trị ở bệnh viện khác.

Cứu sống cụ ông trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở

Bệnh nhân là cụ Ngô Tấn M., ngụ xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Trước đó, vào trưa ngày 19/3/2024 cách lúc nhập viện 3 giờ cụ M. đang sinh hoạt bình thường bỗng nhiên đột ngột nặng ngực, đau nhói sau lưng nên được người thân đưa đến Trung tâm Y tế huyện để thăm khám.

Khi xe vừa đến cổng thì cụ M. đột ngột gồng người, tím tái, được các bác sĩ khẩn trương thực hiện cấp cứu khẩn cấp rồi chuyển qua Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu.

Sau thăm khám đánh giá, các bác sĩ kết luận đây là trường hợp ngưng hô hấp tuần hoàn, nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ tử vong lên đến 95%, nếu không xử trí đúng và kịp thời. Lập tức ê kíp bác sĩ tim mạch can thiệp tức tốc đưa bệnh nhân vào phòng thông tim, tiến hành can thiệp động mạch vành cấp cứu khẩn cấp kèm hồi sức nội khoa tích cực: Sử dụng thuốc vận mạch, an thần, thở máy, kháng đông, kháng kết tập tiểu cầu kép.

Bệnh nhân được can thiệp thành công sau 30 phút. Sau can thiệp, hiện sức khỏe cụ M. đã ổn định, ngưng thở máy, được rút nội khí quản, bệnh tỉnh táo, phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng. Dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Nhịp Sống Khỏe 21/3: Cấp cứu thành công thai phụ nhau bong non thể nặng | Cả nhà nhập viện vì bình ga mini phát nổ 1
Bác sĩ thăm khám cho cụ ông sau can thiệp. Ảnh: VOV

Kịp thời cứu bé trai thoát vị bẹn nghẹt

Bé trai T.H.Q, 34 tháng tuổi được bố mẹ đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám trong tình trạng quấy khóc nhiều, nôn ra thức ăn, bụng chướng. Đặc biệt, vùng bẹn trái của trẻ xuất hiện khối căng phồng, sờ nắn đau nhiều và không đẩy lên được.

Gia đình bé cho biết, từ khi sinh mỗi lần bé khóc đều xuất hiện khối phồng như vậy, nhưng cha mẹ nghĩ sẽ tự hết nên không đưa đi khám bệnh. Tối trước hôm nhập viện, khối phồng căng to hơn làm bé khó chịu và đến khi trời sáng, lúc bé nôn nhiều, gia đình mới vội đưa đến bệnh viện.

Tại bệnh viện, kết quả siêu âm vùng bẹn bìu cho kết quả, bé Q thoát vị bẹn bên trái. Ngay lập tức, các bác sĩ chẩn đoán bé bị thoát vị bẹn nghẹt bên trái, phải phẫu thuật khẩn cấp nhằm cứu đoạn ruột bị nghẹt. Ths. BS Trần Văn Kiên, khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng ê kíp đã nhanh chóng tiến hành mổ mở kết hợp nội soi cho bệnh nhi.

Trong mổ, khối thoát vị là đoạn đại tràng đã được lấy ra khỏi ống bẹn trái, rất may mắn đoạn ruột còn hồng hào và chưa hoại tử. Kíp phẫu thuật cũng đóng kín lỗ bẹn sâu tránh tái phát sau này. Sau phẫu thuật, bé trai ăn uống được bình thường, vết mổ khô liền tốt, sức khỏe hồi phục nhanh chóng, xuất viện sau ba ngày.

Nhịp Sống Khỏe 21/3: Cấp cứu thành công thai phụ nhau bong non thể nặng | Cả nhà nhập viện vì bình ga mini phát nổ 2
Thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ nhỏ cần được xử lý sớm tránh biến chứng đáng tiếc. Ảnh minh họa

Cấp cứu thành công thai phụ nhau bong non thể nặng

Khoa Sản - Cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang vừa cấp cứu thành công trường hợp nhau bong non thể nặng. Theo đó, thai phụ Nguyễn Thị Kim H., 37 tuổi, thường trú tại quận 4, TP. Hồ Chí Minh, nhập viện trong tình trạng có thai 37 tuần 4 ngày, ra huyết âm đạo nhiều kèm đau bụng. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán nhau bong non thể nặng.

Ngay lập tức, hệ thống báo động đỏ được kích hoạt, thai phụ được cho thở oxy, thiết lập 2 đường truyền tĩnh mạch, thăm khám, siêu âm tại giường và thực hiện xét nghiệm khẩn.

Nhận định đây là trường hợp suy thai do nhau bong non thể nặng trên sản phụ có con lần 2, thai 37 tuần 4 ngày, ngôi đầu, chuyển dạ tiềm thời/ vết mổ cũ lấy thai. Kíp trực đã tiến hành hội chẩn khẩn và chuyển mổ cấp cứu.

Sản phụ được mổ lấy thai, bé gái sống, cân nặng 2,7 kg, nhau bong 70%, có nhiều máu cục sau nhau, tử cung phong huyết. Kíp mổ đã sử dụng thuốc, thắt động mạch tử cung để dự phòng băng huyết và bảo tồn tử cung. Sau mổ, sản phụ có biểu hiện thiếu máu, rối loạn đông máu; được truyền máu và chế phẩm của máu, thuốc kháng sinh, nâng thể trạng và chăm sóc hậu phẫu. Sản phụ và bé đã ổn, xuất viện ngày thứ 9 sau mổ.

TPHCM: Số ca mắc tay chân miệng tăng

Ngày 20/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM đã thông tin về tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn.

Theo đó, trong tuần 11 (từ ngày 11 - 17/3), tại TPHCM ghi nhận 107 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 40,8% so với trung bình 4 tuần trước đó. Tổng số ca mắc tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 11 là 1.495 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao là Quận 6 (33 ca), huyện Nhà Bè (31 ca), Quận 8 (27 ca)…

Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày; nên ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Nhịp Sống Khỏe 21/3: Cấp cứu thành công thai phụ nhau bong non thể nặng | Cả nhà nhập viện vì bình ga mini phát nổ 3
Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: baotintuc