Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Nhịp Sống Khỏe 25/1: Bị bỏng do pháo hoa bắn trúng người | Ngộ độc khí CO vì đốt than sưởi ấm

VOH - Không để người nhà bệnh nhân nằm ghế đá ngoài trời khi giá rét; Người dân TPHCM thọ trung bình 76,5 tuổi; Chuyên gia nói gì khi Việt Nam phát hiện biến thể phụ JN.1… là các tin nổi bật.

3 người bị ngộ độc khí CO vì đốt than sưởi ấm

Theo thông tin ban đầu, một người đàn ông (61 tuổi, ở huyện Lộc Bình) cùng vợ đốt than hoa sưởi ấm trong nhà khiến cả hai bị hôn mê. Khi người thân phát hiện sự việc, toàn thân người đàn ông đã tím tái, gia đình đã đưa tới bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán, hai vợ chồng này bị ngộ độc khí CO, trong đó, người vợ bị nhẹ hơn. Các bệnh nhân đã được bác sĩ cho thở máy, hồi sức tích cực.

Một trường hợp khác (12 tuổi, ở thành phố Lạng Sơn) phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng lơ mơ, môi tím tái. Gia đình nạn nhân cho hay, đã đốt than củi trong buồng kín cho trẻ đi tắm. Khoảng 40 phút sau, người thân gọi không thấy trẻ trả lời, mở cửa vào, phát hiện trẻ nằm bất tỉnh trong phòng tắm. Ngay khi vào viện, bệnh nhân được cho thở oxy dòng cao, điều trị tích cực nên đã hồi phục tốt. Đến chiều 24/1, bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khỏe cơ bản ổn định.

Những ngày qua, nhiệt độ tại các địa phương ở tỉnh Lạng Sơn xuống thấp, nhiều nơi ở mức 4 - 5 độ C. Tại đỉnh Mẫu Sơn, nhiệt độ xuống âm hơn 2 độ C. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không đốt than để sưởi ấm trong nhà, nhất là trong phòng kín, bởi tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc khí CO hết sức nguy hiểm.

Nhịp Sống Khỏe 25/1: Bị bỏng do pháo hoa bắn trúng người | Ngộ độc khí CO vì đốt than sưởi ấm 1
Bệnh nhân ngộ độc khí CO do đốt than hoa để sưởi ấm trong nhà đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Bị bỏng do pháo hoa bắn trúng người

Chị V.H.A. (26 tuổi, TPHCM) cho biết vừa tham gia tiệc cuối năm với đồng nghiệp tại công ty. Tiệc vừa mở màn, pháo hoa được bắn chào mừng. Sau 4 phát đầu bắn lên cao, hộp pháo văng khỏi vị trí cũ, bắn vào bàn tiệc nhiều người tháo chạy, một số người bị tia lửa bắn sượt qua mặt, tay chân, hoặc bắn thủng quần áo. Chị A. không tránh kịp nên bị nặng nhất, tia lửa phụt thẳng vào mu bàn chân kéo dài lên giữa ống chân trái.

Sau vài phút, dàn pháo tắt hoàn toàn. Phát hiện chân bị bỏng, nóng rát, có vệt bột màu trắng ngà trên da, chị A. vội rửa với nước sạch, chườm đá lạnh. Chị tự mua thuốc bôi nhưng qua 5 ngày vết thương không đỡ.

Chị đến khám tại chuyên khoa Da liễu-Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM trong tình trạng chân trái sưng phù, rộp nước, rỉ dịch vàng… không đi lại được, phải hỗ trợ di chuyển bằng xe lăn.

Bác sĩ cho biết chị A. bị bỏng độ hai, bội nhiễm (có tình trạng nhiễm trùng kèm theo). Người bệnh được điều trị với thuốc kháng sinh, kháng viêm và thuốc thoa; đồng thời, bác sĩ hướng dẫn chị cách vệ sinh và thay băng vết thương mỗi ngày.

Nhịp Sống Khỏe 25/1: Bị bỏng do pháo hoa bắn trúng người | Ngộ độc khí CO vì đốt than sưởi ấm 2
Hình ảnh tổn thương của bệnh nhân.

Không để người nhà bệnh nhân nằm hành lang, ghế đá ngoài trời khi giá rét

Ngày 24-1, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Công văn gửi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, thời tiết tại miền Bắc đang xuống thấp. Thời tiết giá lạnh ảnh hưởng tới tình hình sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ em, những người có bệnh mạn tính về hô hấp, xương khớp, tim mạch, huyết áp…

Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp như các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp… có nguy cơ xảy ra nhiều hơn trong thời tiết giá lạnh.

Bên cạnh đó, bảo đảm việc phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện như: Nơi xếp hàng chờ khám, khoa khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, buồng bệnh… cần bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, lò sưởi và phương tiện giữ nhiệt độ phù hợp. Mặt khác, thực hiện phòng, chống rét cho người nhà người bệnh hợp lý; không để người nhà người bệnh nằm ngoài hành lang hoặc ghế đá ngoài trời, gây nguy hại đến sức khỏe.

Nhịp Sống Khỏe 25/1: Bị bỏng do pháo hoa bắn trúng người | Ngộ độc khí CO vì đốt than sưởi ấm 3
Bệnh viện Đa khoa Đông Anh tăng cường các thiết bị chống rét cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Ảnh: Hanoimoi

Người dân TPHCM thọ trung bình 76,5 tuổi

Tuổi thọ bình quân người dân TPHCM là 76,5, nhiều hơn 3 tuổi so với trung bình cả nước là 73,7. Con số này cho thấy tốc độ già hóa dân số của TPHCM diễn ra rất nhanh do chịu tác động từ mức sinh giảm, tỷ lệ tử vong thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao.

Theo Cục Thống kê, năm 2023, TPHCM có hơn 1,3 triệu người trên 60 tuổi, chiếm trên 12% dân số. Trong khi tuổi thọ bình quân người Việt nói chung là 73,7 thì người dân TPHCM là 76,5.

Người cao tuổi đang đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép”và thường mắc các bệnh mạn tính, đối diện với nguy cơ không thể tự chăm sóc trong sinh hoạt do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn.

Khi triển khai chương trình thí điểm khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi, Sở Y tế TP ghi nhận hơn 51% bị tăng huyết áp, gần 15% mắc đái tháo đường, nhiều bệnh nền như hen phế quản, ung thư… Để thích ứng già hóa dân số nhanh, TPHCM sẽ đề xuất mô hình thành phố thân thiện với người cao tuổi. 2024 cũng là năm TP khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi.

Chuyên gia nói gì khi Việt Nam phát hiện biến thể phụ JN.1

Ngày 24-1, tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức, đại diện Sở Y tế TPHCM đã báo cáo về việc phát hiện biến thể phụ JN.1 ở người mắc Covid-19. Trước thông tin này, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, biến thể phụ JN.1 có đặc điểm lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng gây ra bệnh nặng hơn các biến thể phụ khác của Omicron. Do biến thể phụ JN.1 dễ lây truyền nên đã nhanh chóng chiếm ưu thế trong các biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo JN.1 là biến thể đáng quan tâm và đang theo dõi.

Ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu rõ, theo phân loại của WHO, biến thể JN.1 là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của chủng Omicron, thuộc nhóm biến thể cần quan tâm, không có bằng chứng độc lực tăng lên dù số ca mắc có dấu hiệu tăng. “Chúng ta không chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang, lo lắng”, ông Hoàng Minh Đức nhấn mạnh.

Theo Sở Y tế TPHCM, từ ngày 18-12-2023 đến hết ngày 22-1-2024, các bệnh viện trên địa bàn tiếp nhận 94 ca mắc Covid-19 điều trị nội trú. Trong đó, có 17 ca nặng phải thở oxy, không có ca tử vong do Covid-19. Các ca nặng đều thuộc nhóm có bệnh nền nặng và chưa tiêm đủ mũi vaccine Covid-19. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã tiến hành giải mã trình tự gen từ bệnh phẩm của 16 bệnh nhân Covid-19 điều trị trong tháng 12-2023. Kết quả cho thấy có 12/16 bệnh nhân (75%) nhiễm biến thể phụ của Omicron JN.1.

Nhịp Sống Khỏe 25/1: Bị bỏng do pháo hoa bắn trúng người | Ngộ độc khí CO vì đốt than sưởi ấm 4
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: SGGP
Nhịp Sống Khỏe 25/1: Bị bỏng do pháo hoa bắn trúng người | Ngộ độc khí CO vì đốt than sưởi ấm 5
Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam 2023 với chủ đề “Phát triển Y tế chuyên sâu”