Đăng nhập

Nhịp sống khỏe 29/3: Vắt kí sinh trong mũi người đàn ông | Hà Tĩnh xuất hiện ca sốt rét ngoại lai

VOH - Cứu sống bệnh nhân thủng ruột non do giun đũa;Thái Bình thông tin chính thức về ca viêm màng não do mô cầu... là các tin nổi bật khác.

Phát hiện con vắt sống trong mũi người đàn ông suốt nhiều ngày

Ngày 28/3, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) tiếp nhận bệnh nhân H.V.B. (SN 1975) trong tình trạng nghẹt mũi, chảy máu kéo dài suốt một tuần. Sau khi thăm khám, bác sĩ Phạm Văn Vượng (Khoa Ngoại tổng hợp) phát hiện một con vắt dài khoảng 3cm ký sinh trong mũi phải của bệnh nhân và tiến hành nội soi gắp ra.

Bệnh nhân sinh sống ở vùng núi, thường xuyên đi rừng, tắm sông suối, có thể đã bị vắt xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi. Theo bác sĩ, vắt ký sinh trong mũi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, phù nề, tắc nghẽn đường thở hoặc viêm mũi xoang.

Bác sĩ khuyến cáo người dân khi đi rừng nên mặc đồ bảo hộ, tránh uống nước suối trực tiếp và nếu có triệu chứng bất thường ở mũi, tai, họng thì cần đến cơ sở y tế để kiểm tra kịp thời.

Phát hiện con vắt sống trong mũi người đàn ông suốt nhiều ngày- Ảnh 1.Xem toàn màn hình
Con vắt ký sinh nhiều ngày trong mũi người đàn ông. Ảnh: SK&ĐS

Giành giật sự sống cho chuyên gia nước ngoài bị nhồi máu cơ tim cấp

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa cứu sống ông Ran D. (46 tuổi, chuyên gia người Trung Quốc làm việc tại KCN Đông Mai, Quảng Yên) khỏi cơn nhồi máu cơ tim cấp nguy kịch.

Trước đó, bệnh nhân đột ngột đau tức ngực trái, khó thở, được đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu. Nhận thấy dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp, bệnh viện nhanh chóng hội chẩn từ xa và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để can thiệp khẩn cấp.

Kết quả chụp động mạch vành cho thấy động mạch liên thất trước bị tắc hoàn toàn, kèm theo hẹp 50% các nhánh khác. Bệnh nhân được đặt stent để tái thông mạch máu, giúp phục hồi tuần hoàn tim. Sau một giờ can thiệp, ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân qua cơn nguy kịch và đang hồi phục tốt.

Bác sĩ khuyến cáo nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng nguy hiểm, cần cấp cứu kịp thời. Để phòng ngừa, mỗi người nên duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và khám sức khỏe định kỳ.

Giành giật sự sống cho chuyên gia nước ngoài bị nhồi máu cơ tim cấp- Ảnh 2.
Chuyên gia người Trung Quốc hồi phục tốt sau can thiệp và hiện được chăm sóc điều trị tích cực. Ảnh: SK&ĐS

Hà Tĩnh xuất hiện ca sốt rét ngoại lai

Ngày 28/3/2025, Trung tâm Y tế huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) ghi nhận một ca sốt rét ngoại lai. Bệnh nhân P.H.M. (SN 1992), lao động trở về từ Cameroon ngày 16/3, xuất hiện triệu chứng sốt và được xác định dương tính với ký sinh trùng sốt rét sau khi khám tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Trước tình hình này, ngành y tế Hà Tĩnh nhanh chóng triển khai giám sát các trường hợp tiếp xúc gần, điều tra dịch tễ và phun thuốc diệt muỗi tại khu vực bệnh nhân sinh sống. Hơn 100 mẫu xét nghiệm từ người thân và cư dân lân cận đều cho kết quả âm tính. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định, tiếp tục điều trị chống tái phát.

Mặc dù Hà Tĩnh đã loại trừ sốt rét quy mô cấp tỉnh, nguy cơ tái bùng phát vẫn cao do ca bệnh nhập cảnh và sự gia tăng của muỗi truyền bệnh. Ngành y tế khuyến cáo người dân trở về từ vùng dịch cần theo dõi sức khỏe, đi khám sớm khi có triệu chứng để tránh lây lan.

Cứu sống bệnh nhân thủng ruột non do giun đũa

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhân K.T.T. (43 tuổi, huyện Bác Ái) bị thủng ruột non do giun đũa. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau bụng dữ dội, bụng chướng và mệt mỏi. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán viêm phúc mạc toàn thể do thủng ruột non và chỉ định phẫu thuật khẩn cấp.

Trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện ruột non bị giun đũa đục thủng, gây tràn dịch ổ bụng và nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Ê-kíp phẫu thuật đã loại bỏ búi giun, làm sạch ổ bụng và xử lý tổn thương, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Hiện bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị kháng sinh để phục hồi sức khỏe.

Các bác sĩ khuyến cáo giun đũa là ký sinh trùng phổ biến, có thể gây biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, viêm ruột, thủng ruột. Để phòng bệnh, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi và tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng.

Cứu sống bệnh nhân thủng ruột non do giun đũa- Ảnh 1.
Bệnh nhân K.T.T (43 tuổi, ở huyện Bác Ái) bị thủng ruột non do giun đũa. Ảnh: SK&ĐS

Thái Bình thông tin chính thức về ca viêm màng não do mô cầu

Sở Y tế Thái Bình xác nhận một trường hợp viêm màng não do mô cầu trên địa bàn. Bệnh nhân N.T.T. (17 tuổi, chưa tiêm vaccine não mô cầu) xuất hiện triệu chứng sốt, đau họng từ ngày 9/3 và tự điều trị tại nhà. Đến ngày 17/3, bệnh chuyển nặng, bệnh nhân nhập viện tại BVĐK Quỳnh Phụ, sau đó được chuyển lên BVĐK tỉnh Thái Bình và BV Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm dương tính với não mô cầu, bệnh nhân bị viêm màng não biến chứng viêm cơ tim, nhồi máu não. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, sức khỏe ổn định.

CDC Thái Bình đã rà soát hơn 70 trường hợp tiếp xúc gần, thực hiện giám sát, lấy mẫu xét nghiệm và cho uống thuốc dự phòng. Đồng thời, ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục tiến hành vệ sinh trường học và nơi làm việc của bệnh nhân, tăng cường truyền thông phòng chống dịch.

Viêm màng não do mô cầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong hoặc di chứng nặng nề. Người dân được khuyến cáo tiêm vaccine, giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và đến cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng sốt cao, đau đầu, nôn mửa.

Bình luận