Chờ...

Nhịp tim bình thường là bao nhiêu?

(VOH) – Nhịp tim là một trong những chỉ số quan trọng của sức khỏe con người. Vậy nhịp tim bình thường là khoảng bao nhiêu và làm sao có thể đo được các chỉ số này?

1. Nhịp tim và cơ chế hoạt động của nhịp tim

Nhịp tim là tốc độ nhịp đập của tim được đo bằng số lần co thắt của tim mỗi phút. Nhịp tim có thể thay đổi theo nhu cầu của cơ thể, bao gồm cả nhu cầu hấp thu oxy và bài tiết cacbon dioxit.

Nhịp tim được điều hòa bởi hệ thống thần kinh giao cảm, và được điều chỉnh bởi đầu vào giao cảm với nút xoang nhĩ. Các dây thần kinh gia tốc cung cấp đầu vào giao cảm cho tim bằng cách giải phóng norepinephrine lên các tế bào của nút xoang nhĩ (nút SA), và dây thần kinh phế vị cung cấp đầu vào giao cảm với tim bằng cách giải phóng acetylcholin vào các tế bào nút xoang nhĩ.

Do đó, nếu dây thần kinh gia tốc bị kích thích sẽ làm tăng nhịp tim, trong khi dây thần kinh phế vị bị kích thích sẽ làm giảm nhịp tim.

2. Nhịp tim bình thường là bao nhiêu?

Nhịp tim chuẩn có thể khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào độ tuổi, thể trạng, giới tính:

  • Nhịp tim trung bình của một người trưởng thành khỏe mạnh sẽ nằm trong khoảng từ 60 – 100 nhịp/phút.
  • Nhịp tim nhanh là nhịp tim được xác định trên 100 nhịp/phút.
  • Nhịp tim chậm được xác định là dưới 60 nhịp/phút.

nhip-tim-binh-thuong-la-bao-nhieu-voh

Nhịp tim bình thường sẽ nằm trong khoảng từ 60 - 100 nhịp/phút (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, ở những người luyện tập thể dục thể thao đều đặn thì nhịp tim có thể chỉ nằm trong khoảng 40 – 50 nhịp/phút. Nguyên nhân là do cơ tim của họ rất khỏe mạnh và làm việc hiệu quả.

Với những người lớn tuổi (trên 60 tuổi), nhịp tim tốt nhất chỉ nên nằm trong khoảng từ 60 – 80 nhịp/phút. Khi nhịp tim trên 80 nhịp/phút, nhiều người lớn tuổi đã xuất hiện triệu chứng mệt, hồi hộp, trống ngực... Trường hợp này có thể được coi là nhịp tim nhanh và cần điều trị.

Nghiên cứu của các cơ quan y tế quốc gia tại Vương quốc Anh, đã phân tích và lập ra bảng chỉ số nhịp tim bình thường theo từng độ tuổi cụ thể như sau:

Độ tuổi

Tiêu chuẩn nhịp tim (nhịp/phút)

Trẻ sơ sinh

120 – 160

Trẻ từ 1 – 12 tháng tuổi

80 – 140

Trẻ từ 1 – 2 tuổi

80 – 130

Trẻ từ 2 – 6 tuổi

75 – 120

Trẻ từ 7 – 12 tuổi

75 – 100

Người lớn từ 18 tuổi trở lên

60 – 100

Người già trên 60 tuổi

60 – 80

Nhịp tim có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau trong từng thời điểm cụ thể, chẳng hạn như các hoạt động của cơ thể trước đó, bao gồm tập thể dục, ngủ, tình hình sức khỏe và bệnh lý, tư thế (đứng, ngồi)...

Ngoài ra, trạng thái tinh thần và cảm xúc cũng ảnh hưởng ít nhiều đến nhịp đập của tim (ví dụ như cảm xúc giận dữ, vui mừng, sợ hãi, lo lắng...). Bên cạnh đó, một số loại thuốc cũng có khả năng làm thay đổi nhịp tim bình thường.

3. Cách kiểm tra nhịp tim bình thường

Để biết nhịp tim của mình có bình thường hay không, bạn có thể kiểm tra bằng cách đếm nhịp mạch đập. Cách thực hiện vô cùng đơn giản như sau:

  • Đặt ngón trỏ và ngón giữa trên cổ của mình (đoạn từ giữa xương và gân ở cổ tay, phía trên nếp gấp cổ tay 2cm, ở phía ngón cái của cổ tay), sau đó tìm nhịp  mạch đập ở cổ tay.
  • Khi đã tìm thấy nhịp đập, bạn hãy bắt đầu đếm số lần đập của mạch trong vòng 15 giây.
  • Bạn nhân kết quả đếm được cho 4, kết quả cuối cùng chính là nhịp tim trong 1 phút của bạn.

nhip-tim-binh-thuong-la-bao-nhieu-1-voh

Kiểm tra nhịp tim bằng cách đếm nhịp đập của mạch (Nguồn: Internet)

Nhịp tim bình thường sẽ dao động từ 60 – 100 nhịp/phút.

4. Nhịp tim 60 – 100 nhịp/phút có phải là nhịp tim lý tưởng?

Nhịp tim 60 – 100 nhịp mỗi phút là tiêu chuẩn kinh điển cho một người khỏe mạnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tim mạch cho rằng nhịp tim ổn định nên thấp hơn mức đó, nhịp tim lý tưởng hiện nay được đưa ra là nằm trong khoảng 50 – 70 nhịp/phút. Việc rèn luyện thể lực thường xuyên và hiệu quả sẽ giúp nhịp tim đập chậm và ổn định hơn.

Thỉnh thoảng, bạn nhận thấy nhịp tim của mình đập không theo nguyên tắc, nhanh chậm bất thường và khó bắt mạch hoặc bạn cảm thấy lồng ngực mình như đang đánh trống liên hồi. Đôi lúc bạn còn cảm thấy tim đập bị hụt nhịp hoặc tăng tốc đột ngột. Theo các chuyên gia tim mạch những hiện tượng này phần lớn sẽ không đe dọa đến sức khỏe và mạng sống của bạn.

Tuy nhiên, nếu các triệu chứng như trống ngực, đau ngực, mệt mỏi, thở dốc, chóng mặt, ngất xỉu hoặc đau đầu... diễn ra thường xuyên thì bạn nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và điều trị sớm.