Nho bảo vệ tim mạch và ngăn ngừa tiểu đường

VOH - Nho rất giàu polyphenol, không chỉ có tác dụng chống oxy hóa và “quét sạch” các gốc tự do mà còn bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Giàu vitamin và khoáng chất, nho được rất nhiều người ăn tươi hoặc làm nước ép trái cây hoặc rượu vang. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, nho có thể ăn luôn cả vỏ nhưng trước khi ăn cần rửa sạch sẻ, để thải bỏ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật còn bám trên vỏ, tránh ngộ độc thực phẩm.

Nho bảo vệ tim mạch và ngăn ngừa tiểu đường 1
Nho rất giàu polyphenol, không chỉ có tác dụng chống oxy hóa và “quét sạch” các gốc tự do mà còn bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa bệnh tiểu đường và giúp bảo vệ chức năng võng mạc - Ảnh: TVBS

Nho rất giàu vitamin và khoáng chất

Li Wanping, chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, nho rất giàu vitamin và khoáng chất, ngoài ra nho còn chứa nhiều protein và axit amin; thực tế có rất nhiều loại nho, tùy thuộc vào từng loại khác nhau mà hàm lượng dinh dưỡng của các loại nho không giống nhau, lấy nho Kyoho làm ví dụ, loại nho này rất giàu glucose, fructose và vitamin B, vitamin C và axit folic.

Đồng thời, nho Kyoho cũng chứa rất nhiều khoáng chất như kali, canxi, đồng, phốt pho và các khoáng chất khác.

Mặc dù hàm lượng vitamin C và chất xơ trong nho Kyoho không nổi bật nhưng nó lại chứa rất nhiều hợp chất phenolic như anthocyanin, flavanol, flavonol và resveratrol, đều có giá trị dinh dưỡng rất cao.

Vỏ nho rất giàu chất chống oxy hóa và giúp nhu động ruột

Chuyên gia dinh dưỡng Li Wanping cho biết thêm, nho rất giàu polyphenol, không chỉ có tác dụng chống oxy hóa và “quét sạch” các gốc tự do mà còn bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa bệnh tiểu đường và giúp bảo vệ chức năng võng mạc.

Trong khi nho, rượu vang, nước ép nho và các sản phẩm liên quan đến nho cũng chứa nhiều melatonin, có thể điều chỉnh nhịp sinh học và giúp đi vào giấc ngủ dễ dàng, hỗ trợ cho giấc ngủ ngon.

Ngoài ra, vỏ nho không chỉ giàu chất chống oxy hóa mà còn có chất xơ giúp nhu động ruột hoạt động tốt, giúp đại tiện “trơn tru” và  “thông suốt”.

Cách chọn lựa nho tươi ngon

Chuyên gia dinh dưỡng Li Wanping chia sẻ, lấy nho Kyoho làm ví dụ, mọi người nên chọn những trái nho có màu đen tím sáng, không có vết thâm, cuống nối liền với trái, chùm nho ít bị rụng khi mọi người dùng tay nhấc lên…

Ngoài ra, nho sờ vào cảm thấy chắc tay, căng mọng thì chứng tỏ nho càng tươi ngon, trên vỏ nho có một lớp bột trái cây là màng bảo vệ tự nhiên, lớp bột trái cây càng dày thì trái càng tốt.

Nho bảo vệ tim mạch và ngăn ngừa tiểu đường 2
Trước khi ăn, không cần ngâm nước muối hoặc nước rửa rau củ quả, nho chỉ cần rửa nhẹ dưới vòi nước chảy là sạch sẻ -  Ảnh: TVBS

Rửa nho đúng cách

Rửa nho đúng cách nhất là khi nào ăn mới đem nho đi rửa sạch, vì nho rất dễ bị hư dập sau khi được rửa nước. Nho thường có “tơ nhện” hoặc “bụi bặm” bám trên vỏ nên phải rửa sạch trước khi ăn, nhất là ép lấy nước để uống càng phải được rửa sạch sẻ kỹ càng.

Trước khi rửa sạch nho, đầu tiên hãy loại bỏ những trái hư dập, sau đó dùng kéo cắt bỏ phần tiếp giáp của cuống nho và trái nho, lưu ý không được cắt trầy xước vỏ nho hoặc không nên dùng tay bứt trái mà dùng kéo cắt cuống thật sát vào trái nho, nếu không nho dễ bị hư dập nhiễm bẩn.

Sau đó, đem nho đi rửa nhẹ bằng nước sạch trước khi ăn. Không cần ngâm nước muối hoặc nước rửa rau củ quả, chỉ cần rửa nhẹ từng trái nho dưới vòi nước chảy là được.

Nho đã rửa sạch sẽ ăn ngon hơn cộng với sau khi được “ướp lạnh”, cho dù nho được bảo quản trong tủ lạnh được 2, 3 ngày, bảo quản trong tủ đông khoảng 2-8 tuần vẫn còn tươi nhưng sẽ ăn không ngon bằng ăn nho càng sớm càng tốt sau khi mua về. 

Bình luận