Những người hay ăn cơm nguội cần biết những điều này để ăn cho đúng cách

(VOH) - Một số người thích ăn cơm nguội để giảm cân, một số người lại rất hay ăn cơm nguội vì thói quen tiết kiệm – nhưng dường như không ai để ý xem ăn cơm nguội lợi hại ra sao.

Ăn cơm nguội có lợi hay có hại?

Ai cũng từng ăn cơm nguội một vài lần trong đời và điều này dường như phổ biến từ trước tới nay. Do đó, thông tin cho rằng ăn cơm nguội có nguy cơ gây ung thư dạ dày hay một số bệnh khác khiến nhiều người khá hoang mang.

Lý giải về việc ăn cơm nguội hâm nóng liên tục gây ung thư dạ dày, một bác sĩ bệnh viện Bạch Mai từng khẳng định, thông tin này chưa thực sự xác đáng. Đối với người Việt Nam, thói quen ăn cơm nguội hâm nóng rất phổ biến và chưa ghi nhận trường hợp nào bị ung thư dạ dày vì ăn cơm nguội hâm nóng.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp cũng từng chia sẻ, đúng là trong hạt gạo có vi khuẩn bacillus cereus, và không chỉ riêng trong gạo mà nhiều loại hạt khác cũng có vi khuẩn này. Tuy nhiên nói vi khuẩn đó có gây hại không thì lại phải xem kỹ.

Cơm nguội bảo quản trong tủ lạnh cần được đậy kín nắp (Ảnh: Điện máy Xanh)

Đối với gạo, vi khuẩn bacillus cereus có trong gạo nhưng sau khi nấu thì vi khuẩn sẽ bị phân hủy, không còn tồn tại nữa. Từ ngàn đời nay, ông bà ta ăn cơm nguội, cơm rang… đều không sao cả. Loại vi khuẩn bacillus cereus có trong hầu hết các hạt sống, người ta sử dụng vi khuẩn này để chiết xuất ra loại gen BT kháng sâu bệnh trong cây ngô. Bởi thế bảo ăn cơm nguội gây bệnh thì không đúng.

Tuy cơm nguội không gây ra những tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe nhưng PGS.TS Nguyễn Văn Hoan không khuyến khích ăn nhiều cơm nguội, bởi cơm vừa nấu xong vẫn luôn tốt hơn cơm nguội, các dưỡng chất có trong cơm vẫn được giữ nguyên, chưa bị chuyển hóa.

Đó là chưa kể tới việc, nếu ăn cơm nguội để quá lâu hoặc bảo quản không đúng, người ăn có thể gặp một số nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn.

Ăn cơm nguội đúng cách để không bị bệnh

Dù không gây bệnh nghiêm trọng nhưng chất dinh dưỡng thì không được như cơm mới nấu nên để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cũng như đảm bảo chất dinh dưỡng thì mỗi người cần chú ý những điều sau:

  • Nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, khi ăn đem ra hấp lại. Không để cơm ngoài không khí với nhiệt độ thường vì cơm dễ ôi thiu.
  • Nên cho cơm nguội vào tủ lạnh và đậy nắp kín khi bảo quản.
  • Không để cơm lâu quá 8 tiếng – như vậy, nên giải quyết món cơm nguội ngay trong vòng 8 tiếng kể từ khi nấu.
  • Không để các thực phẩm hoặc thức ăn khác dính vào cơm nguội trong quá trình bảo quản vì dễ khiến cơm bị thiu.
  • Không nên hâm nóng cơm quá 2 lần, bởi quá trình hâm nóng sẽ làm mất hết chất trong cơm.
  • Không nên tích trữ quá nhiều cơm nguội dồn lại mới ăn bởi như vậy cơm không còn dưỡng chất nữa.
  • Nếu nhà có nhiều cơm thì hãy đem sấy hoặc phơi cho khô, sau đó hấp lại. Đó là món ăn khá hấp dẫn, là món khoái khẩu của nhiều người.
  • Nên bỏ đi loại cơm nguội đã có mùi ôi, chua vì nếu ăn vì “tiếc của” có thể bạn sẽ bị ngộ độc thức ăn.

Để hâm lại cơm nguội, bạn cũng cần chú ý một số điều sau:

  • Nếu hấp cơm nguội với cơm nóng, thì nên hấp tại một góc nồi, tuyệt đối không nên đảo đều phần cơm hấp với cơm mới. Khi cơm chín đều mới nên xới đều 2 loại cơm cùng nhau.
  • Nếu hấp riêng cơm nguội trong nồi cơm điện cần cho một chút nước vào và bật nút nấu. Đợi vài phút, cơm sẽ nóng trở lại như mới nấu.
  • Nếu hấp/hâm nóng cơm nguội bằng lò vi sóng, nên cho cơm nguội vào bát thủy tinh, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại (không để màng bọc tiếp xúc trực tiếp với cơm) rồi mới cho vào lò vi sóng.
  • Ngoài ra, khi hấp/hâm nóng cơm bằng lò vi sóng, bạn cũng có thể cho cơm nguội vào tô, phủ lên đó một chiếc khăn giấy ẩm, rồi mới cho vào lò vi sóng và ấn nút hoạt động lò. Như vậy cơm sẽ không bị khô mà vẫn đủ nóng.

Tác dụng không ngờ của những thực phẩm thừa thường bị bỏ đi - Khi chế biến thức ăn, mọi người thường bỏ đi những phần thừa như vỏ, hạt, thân cứng,…của thực phẩm mà không hề hay biết chúng lại có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe.

Uống nhiều đồ uống có đường có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư - Uống loại đồ uống có đường mỗi ngày có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác nhau.