Những quan niệm sai lầm về ăn uống nhiều người mắc phải

(VOH) - Ngày nay, việc ăn uống không chỉ để no mà còn phải ngon. Tuy nhiên, vì không chú ý nên nhiều người mắc phải một số quan niệm sai lầm trong ăn uống, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe.

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, có hơn 50% bệnh tật trong cơ thể xuất phát từ việc ăn uống thiếu khoa học. Vậy thực tế, mọi người đang mắc phải những sai lầm nào trong ăn uống?

1. Những quan niệm sai lầm về ăn uống

Tất cả chúng ta cần phải ăn và uống để cung cấp dinh dưỡng cho toàn bộ cơ thể hoạt động. Do đó, việc ăn uống thiếu khoa học và sai lầm có thể khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng và các cơ quan bên trong bị giảm chức năng vốn có. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm trong ăn uống mà nhiều người mắc phải:

1.1 Nghĩ rằng uống sữa sẽ cung cấp đủ thành phần các chất

Thực tế cho thấy nhiều phụ nữ sau sinh chỉ vài tháng đã cho con uống thêm các loại sữa bò, sữa công thức trên thị trường vì nghĩ rằng sữa sẽ giúp con cung cấp đủ thành phần các chất hơn sữa mẹ, đặc biệt là canxi. Tuy nhiên, bác sĩ Bay cho biết, sữa mẹ là nguồn sữa tốt nhất cho 6 tháng đầu đời của trẻ, sữa mẹ giúp bé được miễn dịch với các loại bệnh mà tự bản thân bé chưa có.

nhung-quan-niem-sai-lam-ve-an-uong-nhieu-nguoi-mac-phai-voh

Sữa là nguồn dinh dưỡng tốt nhưng không phải sữa sẽ cung cấp đủ tất cả thành phần các chất cho cơ thể (Nguồn: Internet)

Vì vậy, quan niệm uống các loại sữa ngoài thay thế cho sữa mẹ vẫn đảm bảo cung cấp đủ thành phần các chất cho bé là điều không đúng.

Một khía cạnh khác, nhiều người cho rằng uống sữa thường xuyên sẽ phòng ngừa được loãng xương. Tuy nhiên, thực tế lại không đúng như vậy. Nhiều người đã uống sữa canxi đều đặn từ lúc còn trẻ mà vẫn bị loãng xương.  

1.2 Nhai nhanh, nuốt vội

Nhiều người cho rằng ăn nhanh sẽ tốt cho sức khỏe và còn tiết kiệm được thời gian. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm, vì chỉ có ăn chậm, nhai kỹ mới có thể nghiền nát thức ăn được tốt hơn và từ đó giúp tiêu hóa dễ dàng, quá trình chuyển hóa diễn ra thuận lợi hơn. 

1.3 Cứ bệnh là uống thuốc

Hiện nay, rất nhiều người có thói quen cứ bệnh là đến nhà thuốc để mua thuốc uống. Khi mắc bệnh, bạn uống thuốc là đúng, tuy nhiên việc uống thuốc phải đúng và đủ mới mang lại hiệu quả và không gây tác dụng phụ. 

Bác sĩ Bay khẳng định, về cơ bản, thuốc là “thuốc độc” (cả thuốc Đông lẫn thuốc Tây). Bởi vì khi thuốc vào cơ thể, nó có tác dụng lên cơ quan bị đau nhưng đồng thời cũng “tiêu diệt” những yếu tố khác có lợi cho sức khỏe. Từ đó gây mất cân bằng trên cơ thể. Chính vì vậy, việc uống thuốc cần đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian, tuyệt đối không tùy tiện lạm dụng thuốc.

1.4 Uống những thức uống độc hại

nhung-quan-niem-sai-lam-ve-an-uong-nhieu-nguoi-mac-phai-voh

Muốn giữ gìn sức khỏe, đừng uống rượu bia thường xuyên (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ Bay, rượu bia luôn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người lại xem đây chỉ là một thứ nước uống bình thường vì sau khi uống họ không nhận thấy điều gì thay đổi từ sức khỏe cả. Thế nhưng, bạn đâu biết rằng, rượu, bia sẽ làm tổn thương các cơ quan một cách từ từ, đặc biệt là gan, thận. Đến một giai đoạn nào đó sẽ phát bệnh và lúc đó bạn phải “vật vã” tìm kiếm mọi phương pháp để chữa trị.

Như vậy, có những thói quen ăn uống tưởng chừng vô hại nhưng hóa ra là sai lầm và từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Theo bác sĩ Bay, ăn uống và cung cấp dinh dưỡng là nguyên liệu để tạo ra tế bào mới cho cơ thể hoạt động. Vì vậy, hãy thay đổi thói quen ăn uống sao cho khoa học để duy trì sức khỏe và nâng cao tuổi thọ. 

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: