Những ưu điểm của phương pháp tán sỏi nội soi ống mềm

(VOH) - Đối với những trường hợp mổ nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, mổ mở,… không giải quyết hết sỏi hoặc không tiếp cận được sỏi thì phẫu thuật nội soi ống mềm là một giải pháp ưu thế.

Điều trị bổ sung các trường hợp sót sỏi sau mổ sỏi thận phức tạp hoặc khó tiếp cận như mổ nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể hoặc mổ mở thì phương án tối ưu nhất để giải quyết triệt để phần sỏi còn sót lại chính là phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng bằng ống nội soi mềm.

Vừa qua, BS CKII. Nguyễn Văn Truyện, khoa Ngoại – Sản – Liên Chuyên Khoa Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, phẫu thuật viên chính đã trực tiếp tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp tán sỏi nội soi ống mềm để giải quyết triệt để phần sỏi “cứng đầu” trong thận của bệnh nhân P.Đ.A., 58 tuổi, ngụ tại phường Tân Phong, Thành phố Biên Hòa. Trước đó, bệnh nhân cảm thấy rất khó chịu, thỉnh thoảng tiểu máu, tiểu buốt khi trong đường tiết niệu vẫn còn đặt ống JJ niệu quản sau gần 5 tháng phẫu thuật nội soi 1 lỗ tức PCNL tại TPHCM. Qua thăm khám, bác sĩ đánh giá sỏi thận bên phải của bệnh nhân là loại sỏi phức tạp, nhiều viên nên lần mổ trước không thể giải quyết hết sỏi một lần được. Chẩn đoán hình ảnh học qua siêu âm bụng, chụp phim bụng không sửa soạn KUB, chụp MSCT bụng chậu cho thấy: Bệnh nhân còn sót một số sỏi rải rác bên trong các đài thận, đặc biệt đài thận dưới cần phải làm phẫu thuật bổ sung để loại bỏ. Nhận định tình trạng bệnh nhân nếu không được điều trị triệt để sẽ gây khó chịu kéo dài và có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn niệu, tiểu máu…  

Phương pháp tối ưu điều trị sỏi thận còn sót sau mổ hoặc khó tiếp cận – nội soi ống mềm 1

Cận cảnh BS.CKII Nguyễn Văn Truyện tán sỏi cho bệnh nhân P.Đ.A 58 tuổi.

Thầy thuốc ưu tú – BS CKII. Nguyễn Văn Truyện cho biết: “Đối với những trường hợp mổ nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, mổ mở,… không giải quyết hết sỏi hoặc không tiếp cận được sỏi thì phẫu thuật nội soi ống mềm là một giải pháp ưu thế. Ống nội soi mềm do đầu uốn cong được nên sau khi đặt qua niệu đạo, vào bàng quang, lên niệu quản, bể thận vào tới tận các đài thận bên có sỏi để tiếp cận và giải quyết sỏi bằng tán sỏi nội soi Laser công suất cao. Ưu điểm của phương pháp này là rất ít xâm lấn, tiếp cận sỏi ngược dòng theo đường tiết niệu tự nhiên, hoàn toàn không có vết mổ nên ít đau, thậm chí không đau và chức năng thận hồi phục rất nhanh sau phẫu thuật. Thời gian nằm viện ngắn chỉ khoảng 03 ngày”.

Nằm viện sau 03 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân P.Đ.A. đã được xuất viện, đi lại và hoạt động bình thường. Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai hiện đang làm thường quy phẫu thuật nội soi ống mềm với kết quả rất tốt.

BSCKII Nguyễn Văn Truyện cho biết thêm: Để phát hiện sớm sỏi đường tiết niệu trong đó có sỏi thận, về triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân thường có biểu hiện đau âm ỉ ở vùng hông lưng, rất hay gặp nhưng lại bị xem thường. Có trường hợp có cơn đau quặn thận, đau dữ dội vùng hông lưng bên có sỏi, đau lan xuống hố chậu cùng bên, xuống bộ phận sinh dục và mặt trong đùi, kèm theo sốt, tiểu buốt, tiểu máu nếu sỏi gây biến chứng nhiễm trùng niệu. Nặng hơn có thể xảy ra nhiễm khuẩn huyết, choáng nhiễm trùng, suy thận do thận ứ nước do sỏi khiến cho nước tiểu từ thận bệnh không thể đào thải ra ngoài, gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Để xác định chẩn đoán sỏi đường tiết niệu và cho chỉ định điều trị thích hợp, bệnh nhân cần đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa ngoại niệu với các bác sĩ được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm. Để xác định chẩn đoán, các bác sĩ chuyên khoa cho chỉ định cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chức năng thận, xét nghiệm nước tiểu,…và cho thực hiện chẩn đoán về hình ảnh học như: chụp phim bụng không sửa soạn (phim KUB), siêu âm bụng, chụp MSCT scan bụng – chậu không hoặc có cản quang nhằm xác định bệnh nhân có bị sỏi hay không, sỏi có gây biến chứng chưa (thận có ứ nước không? Độ mấy? Có suy thận không?). Từ đó, lên kế hoạch điều trị thích hợp. Nếu phải can thiệp ngoại khoa, xu hướng hiện nay thiên về các phương pháp không xâm lấn như tán sỏi ngoài cơ thể hoặc ít xâm lấn như tán sỏi nội soi ngược dòng, xuôi dòng bằng ống nội soi bán cứng, ống nội soi mềm, phẫu thuật nội soi lấy sỏi, tán sỏi qua da đường hầm nhỏ. Mổ nội soi hông lưng hoặc qua ổ bụng trong phúc mạc hoặc mổ mở hiện chỉ  dành cho những trường hợp không thể thực hiện được các phương pháp không xâm lấn hoặc ít xâm lấn nói trên.

Để phòng ngừa sỏi đường tiết niệu, bệnh nhân cần ăn nhạt, không ăn quá nhiều đạm động vật như thịt, uống đủ nước ngày từ 1,5 – 3 lít ban ngày, thường xuyên vận động, không ngồi đứng lâu một chỗ, giảm cân sao cho phù hợp với chỉ số khối cơ thể (BMI).

Bình luận