Nổ khi tự chế pháo bằng hóa chất, bé trai dập nát tay, chấn thương nặng khắp người

TPHCM - Bé trai 12 tuổi thử nghiệm chế tạo pháo bằng các chất hóa học theo hướng dẫn từ TikTok và đã gặp tai nạn thương tâm.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) vừa tiếp nhận bệnh nhi tên L.B.K (12 tuổi, ở Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Sau kỳ thi học kỳ 1, để chuẩn bị cho việc chơi Tết, em tìm hiểu cách chế tạo pháo qua TikTok hướng dẫn, rồi đặt mua các nguyên liệu làm pháo như KCl3, Na, S.

Trong lúc làm thử nghiệm thì phát nổ, gây ra vết thương bàn tay trái dập nát chảy máu rất nhiều, người nhà tạm thời khống chế chảy máu và đưa bệnh nhi đến Bệnh viện An Nhơn, sau đó chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy.

phao-no-050125
Bệnh nhân đang được điều trị - Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 1

Khi nhập viện, bệnh nhi trong tình trạng sốc chấn thương/đa vết thương tứ chi, dập nát bàn tay trái, vết thương đầu mặt, ngực, bụng, bìu, tầng sinh môn-bỏng kết giác mạc, rách giác mạc mắt 2 bên- vết thương bỏng độ 2 rải rác 40% diện tích cơ thể.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, em được chống sốc, tháo khớp (cắt cụt) cổ bàn tay trái, khâu giác mạc mắt và các vết thương khác và chuyển Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị tiếp.

Hiện tại bệnh nhi còn nhiều vết thương sâu hở, cần được chăm sóc bằng các biện pháp tích cực như 2 lần cắt lọc vết thương, chăm sóc vết thương bằng liệu pháp hút áp lực âm, kháng sinh chống nhiễm khuẩn…

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Diệp Quế Trinh - Trưởng khoa Phỏng- Tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1, vết thương phỏng do hỏa khí thường rất sâu, mức độ tàn phá vô cùng nặng nề, thậm chí là tử vong.

Nhiều trường hợp để lại di chứng tàn tật vĩnh viễn như mất chi (bàn tay, chân…), mù mắt, điếc tai và mất chức năng của các cơ quan khác.

Tai nạn xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm lý và sinh hoạt của các nạn nhân, cũng như gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bác sĩ Trinh khuyến cáo, lứa tuổi thiếu niên thích tìm tòi, khám phá, nên dễ bắt chước các clip hướng dẫn trên mạng xã hội mà không ý thức được mức độ nguy hiểm của việc chế tạo các chất gây nổ.

Do đó, các bậc phụ huynh cần ý thức nhắc nhở con, em mình không bắt chước các hành động trên mạng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng.

Phụ huynh cũng không quên các nguyên nhân gây phỏng khác như nước sôi, điện… bằng cách để các tác nhân này xa tầm tay trẻ em.

Khi xảy ra tai nạn phỏng, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi hiện trường, đánh giá mức độ thương tổn, sơ cứu bằng cách làm mát vùng bị phỏng hoặc vết thương phỏng sâu chảy máu cần băng ép cầm máu ban đầu và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Cần tránh đắp các bài thuốc dân gian như: đắp lá, lòng trắng trứng, kem đánh răng… sẽ làm nặng thêm tình trạng vết bỏng, nhiễm trùng vết bỏng.

Bình luận