Phần 2: Xông hơi sao cho đừng "hết hơi"

(VOH) - Xông hơi thường được dùng điều trị các triệu chứng mệt mỏi, đau nhức cơ thể do bị cảm cúm, giúp da giải tỏa chất độc, các bã nhờn trong lỗ chân lông... Tuy vậy, để không trở bệnh sau khi xông hơi ta cũng cần lưu ý một số thông tin cần thiết.

Tư vấn từ bác sỹ Lương Lễ Hoàng

Xông hơi khi nào ?

Liệu pháp xông hơi có thể áp dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng, thậm chí là với trẻ con. Tùy theo mức độ và mục đích mà có các loại xông hơi khác nhau như xông toàn diện cơ thể, xông hơi từng phần của cơ thể hoặc xông hơi gián tiếp...

Không nên áp dụng xông hơi với những người đang có vết thương hở trên bề mặt da, hoặc đang bị viêm nhiễm tại những nơi có thể tiếp xúc với hơi nóng, bởi các vết thương này sẽ bị kích ứng tiêu cực hơn sau khi xông.

Xông hơi cũng chống chỉ định với những người đang trong trạng thái mệt mỏi, tuột huyết áp... do sau khi xông cơ thể đổ mồi hôi sẽ có khả năng bị sốc do mất nước hoặc trụy tim mạch.

Hãy để "thuốc đến với ta"

Việc tăng tiết mồ hôi và giãn nở mạch máu ngoại biên qua xông hơi không những có thể giúp giải cảm, hạ sốt mà còn được vận dụng để làm tiêu thủng tán thấp, hạ cao huyết áp và giải độc cho cơ thể. Qua sự đổ mồ hôi trên da góp phần mang theophế phẩm, chất độc tích tụ dưới da, trong gan, thận bài tiết ra ngoài cơ thể.

Ví lý do đó, trước và sau khi xông, chúng ta nên uống 1 ly lớn nước khoáng (có thể pha thêm vào đó 1 viên thuốc bổ sung chất điện giải sẽ tốt hơn).

Tư thế và phương pháp hít thở khi xông hơi cũng là một yếu tố quyết định việc hấp thu dược chất vào cơ thể. Hãy ngồi thẳng lưng (không kê mặt quá gần nguồn nhiệt), thả lỏng cơ thể, giữ trạng thái tâm lý thư giãn, hít sâu bằng mũi và thở chậm ra bằng miệng.

Những lưu ý sau khi xông hơi

- Đừng uống nước quá nóng khi vừa xông hơi xong. Do trước đó cơ thể đã đổ mồ hôi và trương mạch dưới tác động của nhiệt độ cao, khi nhận thêm lượng nước nóng vào sẽ gây trạng thái sốc nhiệt (hậu quả nghiêm trọng hơi đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch).

- Sau khi xông, hãy nhớ lau sạch mồ hôi để loại bỏ các chất bã đang bám trên da, không để chúng thâm nhập trở lại theo lỗ chân lông.

- Cần tránh làm việc nặng ngay sau khi xông. Nên nghỉ ngơi ít nhất 15-30 phút, trong lúc nghỉ ngơi cũng cần mặc quần áo kín, thấm hút mồ hôi để không bị nhiễm lạnh.

- Với trẻ em, cần có sự giám sát của cha mẹ trong suốt quá trình xông hơi.