Đặc điểm của phát ban do sởi
Sởi và một số bệnh lý sốt phát ban khác đầu tiên ban da xuất hiện thưa thớt ở thân trên. Đến ngày thứ ba của đợt phát ban, ban sởi mọc dày hơn ở thân trên, ở mặt, thưa ở chân. Trong khi ở sốt phát ban do nguyên nhân khác thông thường đến ngày thứ ba phát ban sẽ giảm, lặn, hết sốt.
Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của sởi là phát ban.
Trình tự xuất hiện ban: Ban sởi thường xuất hiện theo một trình tự nhất định, ngày thứ nhất bắt đầu nổi ban từ sau tai, chân tóc lan qua da đầu - mặt rồi tới cổ; ngày thứ hai ban lan xuống ngực và tay; ngày thứ ba ban lan tới bụng thắt lưng và chân.
Đặc điểm ban: Ban sởi có cả trên da đầu, lòng bàn tay, lòng bàn chân và mọc dày hơn ở nơi xuất hiện trước, nên ban ở vùng mặt và cổ có xu hướng dính lại với nhau rất rõ rệt, còn ở chân thì thưa thớt.
Người bệnh ở giai đoạn 2 ngày đầu phát ban thì sốt tăng cao đột ngột có thể đến 39 - 40 độ C, ho nhiều hơn, tiêu chảy, mệt mỏi hơn.
Vào thời điểm ban chân xuất hiện nhiều thì ban vùng mặt bắt đầu sậm màu và ban lặn dần theo trình tự như trên. Lúc này nhiệt độ thường giảm, các triệu chứng toàn thân nhanh chóng biến mất.
Dấu hiệu viêm long
Một trong những dấu hiệu điển hình của sởi là tình trạng viêm long. Giai đoạn viêm long xuất hiện vào ba ngày đầu của bệnh với các triệu chứng: sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, sởi ít khi sốt nhẹ.
Viêm long ở mắt gây viêm kết mạc với triệu chứng đỏ mắt, chảy nước mắt, mi mắt sưng lên và đổ ghèn; chảy nước mũi, hắt hơi, ho; tiêu lỏng...
Dấu Koplik
Trong giai đoạn viêm long cũng đồng thời xuất hiện dấu Koplik - một dấu hiệu điển hình gặp trong 60-70% bệnh nhân sởi. Đó là những chấm trắng nhỏ như đầu đinh ghim, kích thước khoảng 1mm nằm rải rác trên nền niêm mạc má viêm đỏ hoặc nướu răng.
Phân biệt sởi với bệnh lý khác cũng có ban da
Rubella
Sốt thường nhẹ, không có hoặc chỉ có triệu chứng viêm long đường hô hấp nhẹ. Ban Rubella mọc sớm hơn từ ngày bệnh 1-2, không có xu hướng kết dính với nhau và khi bay không để lại các vết thâm. Bệnh nhân Rubella không có dấu Koplik mà thay vào đó xuất hiện nhiều hạch sau tai, vùng chẩm, dưới cằm và sưng đau kéo dài.
Sốt ban đào do Human Herpes virus 6
Thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, sốt 3 ngày đầu rồi hết, khi sốt giảm thì xuất hiện dát hồng ban thưa, nhạt màu, tồn tại ngắn trong vòng 24 giờ rồi biến mất không để lại vết tích. Người bệnh không mệt mỏi đờ đẫn.
Thủy đậu
Đầu tiên hồng ban nổi ở ngực, mặt, lưng, những ngày sau chuyển thành những bóng nước rõ ràng hơn.
Sốt phát ban do các siêu vi khác như Adenovirus, ECHO 16...: ban dát sẩn không mọc theo trình tự mà cùng lúc trên da toàn thân, không có dấu Koplik.
Ngoài ra còn các loại phát ban do những nguyên nhân khác.
Việc phân biệt chính xác ban do sởi với các bệnh khác có ý nghĩa rất quan trọng, chẩn đoán và điều trị kịp thời vì mỗi bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau nên việc chẩn đoán chính xác sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, việc phân biệt vết phát ban do sởi hay do nguyên nhân khác rất quan trọng để phòng ngừa lây nhiễm vì sởi là bệnh rất dễ lây lan, nhất là đối với những người chưa được tiêm vắc xin sởi hay chưa từng bị mắc sởi trước đó thì khả năng bị mắc bệnh sởi là rất cao nếu có tiếp xúc với bệnh nhân.
Phụ huynh hãy tiêm chủng đầy đủ vắc-xin sởi cho trẻ theo lịch tiêm chủng khuyến cáo, việc tiêm chủng vắc-xin sởi là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.