ThS.BS Phan Lê Minh Tiến, Khoa Thận – Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, dị vật là khối nhựa hình trụ, chiều dài gần 2cm. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng âm đạo tiết dịch vàng, có mùi hôi. Gia đình cho biết, bệnh nhi thỉnh thoảng tiểu gắt, tiêu bình thường.
Bệnh nhi đã được thăm khám trong khoảng 3 năm qua tại bệnh viện địa phương nhưng không phát hiện dị vật. Nhận thấy tình trạng không thuyên giảm, gia đình đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng 2.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhi được y bác sĩ khám và nghi ngờ có dị vật âm đạo, cần tiến hành phẫu thuật để lấy dị vật.
Nhận định về trường hợp này, bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Tấn Đức – Trưởng khoa Thận – Niệu cho hay, dị vật đã nằm lâu, gây viêm loét sâu vào túi cùng bên trái của âm đạo làm ảnh hưởng đến quá trình lấy ra.
Sau khi kiểm tra, các bác sĩ không ghi nhận thủng trực tràng, tuy nhiên về lâu dài có nguy cơ gây sẹo hẹp âm đạo, bệnh nhi cần tái khám định kỳ.
Tiến sĩ Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ thêm, hằng năm bệnh viện tiếp nhận và lấy dị vật âm đạo cho khoảng 6 – 7 bé gái, độ tuổi thường từ 5 tuổi trở xuống.
Dị vật thường là các vật dụng nhỏ, bông gòn, nút áo, pin đồ chơi… Hầu hết trẻ có các dấu hiệu tiết dịch âm hộ, thậm chí có trường hợp chảy máu, có kèm theo ngứa… được người nhà phát hiện và đưa đến bệnh viện.
Để tránh tình trạng dị vật tương tự, các bậc phụ huynh nên sát sao trẻ; vệ sinh và giữ gìn cơ quan sinh dục sạch sẽ; không được sử dụng các dung dịch vệ sinh của người lớn nếu thấy có tiết dịch. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ thăm khám ngay tại cơ sở chuyên khoa Nhi.