“Phép màu” với bệnh nhân phát hiện ung thư khi đã ngoài 90 tuổi

VOH – Cụ bà phát hiện bị ung thư đại tràng ở tuổi 91, thành công vượt qua ca phẫu thuật đầy thách thức nhờ vào công nghệ tiên tiến trong phẫu thuật và nỗ lực của các y bác sĩ.

Ngày 20/9, Bệnh viện K cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật thành công một ca bệnh ung thư trực tràng cho một bệnh nhân 91 tuổi nhờ ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào phẫu thuật.

Bệnh nhân là bà Trần Thị T. (91 tuổi, quê tại huyện Ba Vì, Hà Nội) bị đau bụng kéo dài nhưng không đi khám vì nghĩ tuổi đã cao. Sau khi cơn đau bụng xảy ra thường xuyên hơn gây đau thắt vùng bụng bà mới đến bệnh viện K thăm khám.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân T. mắc ung thư trực tràng, xuất hiện u trực tràng trung bình cách rìa hậu môn 7cm có kích thước 5x6cm. U đã phá vỡ thanh mạc trên đại thể, chưa xâm lấn các cơ quan lân cận, tổ chức trực tràng và mô liên kết xung quanh mùn nát. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư trực tràng trung bình T4aN1M0.

May mắn, sau khi hội chẩn, các bác sĩ nhận thấy ca bệnh có khả năng điều trị thành công bằng phương pháp phẫu thuật, giúp bệnh nhân có hồi phục sức khoẻ và sinh hoạt thuận tiện hơn.

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn, Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K thông tin: “Tuổi là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư, nhưng người bệnh đừng vội từ bỏ. Nếu trong điều kiện cho phép và đảm bảo kỹ thuật thì vẫn nên tiến hành phẫu thuật, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.”

Nhiều trường hợp gia đình có người lớn tuổi mắc bệnh có tâm lý buông xuôi, không thi thăm khám khiến bệnh càng thêm nặng, với trường hợp của bà T., PGS.TS Phạm Văn Bình cho biết, “Mặc dù bệnh nhân tuổi đã cao nhưng sau khi đánh giá tổn thương, chưa xâm lấn, thể trạng bệnh nhân đảm bảo và sự quyết tâm của cụ T.và gia đình. cũng như đội ngũ bác sĩ, chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u, giúp bệnh nhân thuận tiện hơn trong sinh hoạt, nâng cao chất lượng đời sống”.

Quá trình phẫu thuật gian nan

Trong quá trình phẫu thuật, nhiều thách thức được đặt ra, khó khăn nhất là gây mê cho bệnh nhân vì bà đã ngoài 90 tuổi, phải trải qua việc tìm hiểu rất kỹ tiền sử bệnh lý, đảm bảo tính toán chính xác cho ca phẫu thuật thuận lợi.

voh-benh-lien-cau-lon-la-gi-lay-sang-nguoi-qua-con-duong-nao-thumb (3)
Hình ảnh khối u trong cơ thể của bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện K

Ekíp phẫu thuật gồm các bác sĩ khoa Ngoại bụng 1, Trưởng kíp là PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc bệnh viện và kíp gây mê TS.BS Trần Đức Thọ, Trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau 3h, kíp phẫu thuật đã thực hiện loại bỏ tổn thương cắt đoạn đại tràng sigma – trực tràng, làm hậu môn nhân tạo đại tràng xuống, cầm máu kỹ. Ca mổ diễn ra thành công, bệnh nhân hồi phục tốt, dự kiến ra viện sau 7 ngày điều trị.

Đừng chủ quan với những cơn đau bụng

Ở người trẻ tuổi, các triệu chứng ban đầu có thể không điển hình, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường ruột khác. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ung thư trực tràng ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Vì vậy, ngay cả khi bạn còn trẻ mà xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đi ngoài ra máu, thay đổi thói quen đại tiện kéo dài, đau bụng âm ỉ, hãy cảnh giác và đi khám ngay.

Nếu bố mẹ, ông bà có những biểu hiện bất thường như đi ngoài ra máu, thay đổi thói quen đại tiện, đau bụng âm ỉ kéo dài, hãy đưa họ đến ngay các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn. Phát hiện sớm ung thư trực tràng sẽ giúp tăng khả năng điều trị thành công và giúp họ duy trì chất lượng cuộc sống.

Bình luận