Phụ nữ bị ung thư một bên vú có thể phát triển ung thư bên vú còn lại hay không?

(VOH) - Nghiên cứu mới cho thấy, một số phụ nữ đã từng bị ung thư vú một lần có thể tăng nguy cơ mắc lại bệnh này ở vú còn lại nếu họ có một số đột biến gen nhất định.

Theo Health, các gen BRCA1, BRCA2 và CHEK2 có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú lần thứ hai ở một người nào đó. Các yếu tố như tuổi tác, chủng tộc và tình trạng mãn kinh cũng ảnh hưởng đến vấn đề này.

Những phát hiện trên đến từ một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Ung thư lâm sàng - theo dõi những phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú mang 1 trong 5 đột biến gen: BRCA1, BRCA2, CHEK2, PALB3 và ATM. Những người này đã được điều trị ung thư bằng phương pháp phẫu thuật 1 bên vú. 

Kết quả cho thấy, những phụ nữ mang đột biến gen BRCA1, BRCA2 hoặc CHEK2 có nguy cơ tái phát ung thư vú cao hơn ở vú còn lại - được gọi là ung thư vú đối bên, hay CBC.

ung thư vú
Các gen BRCA1, BRCA2 và CHEK2 có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú lần thứ hai ở một người nào đó (Ảnh: Motivation zones)

Đọc thêm: 3 phương pháp xạ trị ung thư vú đang được áp dụng hiện nay

Siddhartha Yadav - trợ lý giáo sư ung thư tại Mayo Clinic, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: nghiên cứu đã theo dõi một nhóm gồm 15.104 phụ nữ có nguy cơ di truyền đối với bệnh ung thư vú, phản ánh nhóm bệnh nhân ung thư vú điển hình. 

Độ tuổi trung bình của chẩn đoán ung thư vú lần đầu là 62 tuổi và trung bình, nghiên cứu đã theo dõi những phụ nữ này sau 11 năm. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu xác định có bao nhiêu người bị ung thư vú lần thứ hai và nguy cơ gần đúng liên quan đến từng đột biến gen.

Người mang đột biến BRCA1 và 2, nếu bị ung thư vú lần đầu, sẽ có khả năng phát triển ung thư ở vú còn lại cao gấp 3 lần hoặc cao hơn. Đối với người mang đột biến gen CHEK2, rủi ro của họ tăng khoảng 2 lần.

Tiến sĩ Amanda Woodworth, Giám đốc sức khỏe vú của USC và Bệnh viện Henry Mayo cho biết: Một trong những điều mọi người không nhận ra là tất cả chúng ta đều có gen BRCA1 và BRCA2. Chỉ là 'liệu có một đột biến tồn tại trong những gen đó dẫn đến việc cơ thể không thể ngăn chặn các khối u lan ra hay không' hoặc 'đột biến gen đó cho phép ung thư lây lan dễ dàng hơn hay không…'

triệu chứng, ung thư vú
Một số triệu chứng nhận biết ung thư vú

Nghiên cứu cũng phát hiện, nguy cơ phát triển ung thư vú còn lại có liên quan nhiều đến các yếu tố khác, hầu hết trong số đó có liên quan đến tuổi tác.

Tiến sĩ Yadav cho biết: "Độ tuổi của bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư vú lần đầu có ý nghĩa khá lớn. Nếu một người 30 tuổi bị phát triển ung thư vú, thì nguy cơ phát triển ung thư vú thứ hai của cô ấy cao hơn nhiều so với một phụ nữ phát hiện ung thư vú lần đầu ở tuổi 65".

Tương tự, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, nguy cơ phát triển ung thư vú đối bên cao hơn đối với phụ nữ tiền mãn kinh có đột biến gen so với phụ nữ sau mãn kinh.

Liên quan tới vấn đề chủng tộc, Tiến sĩ Woodworth cho biết, phụ nữ da đen có tỷ lệ tử vong do ung thư vú cao bất thường, xu hướng mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn, điều này một lần nữa khiến họ có khả năng mắc ung thư vú bên đối diện cao hơn một chút trong một số trường hợp.