Ung thư vú là một trong những bệnh lý ung thư thường gặp đối với phái nữ. Tuy nhiên, đôi khi các chị em lại chủ quan, không để ý những biến đổi của vòng 1, thời điểm phát hiện bệnh thì có thể đã chuyển biến xấu và nặng hơn.
Khi được chẩn đoán mắc bệnh, việc điều trị ung thư vú nên được tiến hành càng sớm càng tốt. Hiện nay, các phương pháp chủ yếu để chữa trị ung thú vú là: phẫu thuật cắt bỏ, hóa trị và xạ trị. Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi sâu tìm hiểu về phương pháp xạ trị.
1. Xạ trị là gì?
Xạ trị là phương pháp tiêu diệt các tế bào ung thư xấu gây bệnh bằng các bức xạ ion hoá năng lượng cao được gọi là xạ trị. Phương pháp này sẽ tập trung phá vỡ tế bào ung thư, làm ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư mới và tiêu diệt các tế bào ung thư cũ.
2. Thời điểm tiến hành xạ trị ung thư vú
Để quyết định tiến hành xạ trị ung thư vú hay không, bác sĩ cần kiểm tra tình trạng sức khỏe và xác định bạn đang ở giai đoạn nào của ung thư vú. Theo đánh giá chung, thì các thời điểm sau đây thường được tiến hành xạ trị ung thư vú:
2.1. Sau phẫu thuật
- Tùy theo kích thước khối u và sự lây lan của tế bào ung thư, việc phẫu thuật có thể là cắt bỏ khối u (khi kích thước khối u nhỏ hơn 4cm) hoặc cắt bỏ vú (khi khối u lớn hơn 5cm, tế bào ung thư bắt đầu xâm lấn các vùng lân cận).
- Xạ trị thường được chỉ định sau các cuộc phẫu thuật này, với mục đích giảm nguy cơ tái phát, loại bỏ triệt để các tế bào ung thư có thể còn sót lại.
2.2. Kết hợp cùng hóa trị
- Thực hiện hóa trị cùng xạ trị sẽ tăng kiểm soát và giảm khả năng di căn xa của tế bào ung thư.
- Hóa trị có thể thực hiện trước xạ trị để thu nhỏ kích thước khối u, thuận lợi cho việc tiến hành xạ trị ngay sau đó.
3. Phương pháp xạ trị ung thư vú
Bất cứ phương pháp xạ trị ung thư vú nào cũng cần được các bác sĩ xem xét kĩ càng và chỉ định thực hiện. Hiện nay có ba phương pháp xạ trị phổ biến là xạ trị chùm tia ngoài, xạ trị áp sát và xạ trị hệ thống.
- Xạ trị chùm tia ngoài: Khi áp dụng phương pháp này, các chuyên gia y tế sẽ dùng máy, hướng trực tiếp chùm tia phóng xạ từ bên ngoài tới vùng khối u nằm trong cơ thể người bệnh.
- Xạ trị áp sát (xạ trị trong hoặc cận xạ trị): Đây là cách xạ trị bằng việc đưa trực tiếp nguồn phóng xạ vào bên trong cơ thể người bệnh, đến gần vị trí tế bào ung thư. Nguồn phóng xạ có thể đưa vào bằng ống, kim hoặc phiến mỏng, đặt tia xạ vào gần hoặc xuyên vào bên trong khối u.
- Xạ trị hệ thống: Phương pháp này sẽ tiêm thuốc phóng xạ vào trực tiếp máu, di chuyển trong máu đến các mô trên khắp cơ thể người bệnh với nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Sau đó, bệnh nhân sẽ thải ra bức xạ qua nước tiểu, mồ hôi và nước bọt trong một thời gian.
4. Ảnh hưởng của xạ trị ung thư vú
4.1. Di chứng của xạ trị ung thư vú
Phụ nữ sau khi thực hiện liệu trình xạ trị ung thư vú có thể sẽ phải đối mặt với một số ảnh hưởng sức khỏe như:
- Sưng nề tuyến vú: Khi tiến hành xạ trị, bạn có thể cảm thấy đau nhức, sưng nề ở tuyến vú, da ở vùng vú sẽ bị kích ứng, đầu ti bị ngứa hoặc đỏ rát.
- Rụng tóc: Hiện tượng rụng tóc sẽ xảy ra vào 1-2 tuần đầu khi bắt đầu xạ trị. Nguyên nhân gay rụng tóc phần lớn là do các loại thuốc không phân biệt được tế bào lành và tế bào ung thư, dẫn đến việc tiêu diệt tất cả các tế bào. Tuy nhiên tóc sẽ sớm mọc lại khi chúng ta hoàn thành xạ trị.
- Buồn nôn: Cảm giác buồn nôn sẽ thường xuyên xuất hiện, bạn nên ăn ít hơn trong ngày hoặc có một số đồ ăn nhẹ đơn giản có thể ăn ngay khi cảm thấy đói. Nếu buồn nôn nhiều, nên báo cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn sử dụng thuốc chống nôn hiệu quả.
- Thay đổi da: Trên da có hiện tượng khô nứt, ngứa, phát ban, đỏ, sẫm màu, phồng rộp do tia phóng xạ tác động lên các tế bào sản xuất sắc tố của da.
- Tích tụ dịch bạch huyết (Phù bạch huyết): Khoảng 15% bệnh nhân xạ trị ung thư vú có thể mắc phải hiện tượng tích tụ dịch bạch huyết. Xạ trị tại vú làm mất tính toàn vẹn của hệ bạch huyết xung quanh, dẫn đến ứ trệ dịch bạch huyết, từ đó gây phù tay.
4.2. Đối tượng không nên xạ trị ung thư vú
Xạ trị sử dụng tia sóng năng lượng cao để phá hủy tế bào gây ung thư, và không phải đối tượng nào cũng được chỉ định xạ trị. Nếu bạn thuộc một trong các đối tượng dưới đây thì sẽ được khuyến cáo không nên xạ trị ung thư vú.
- Phụ nữ đang mang thai: Xạ trị khi mang thai có thể gây dị tật thai nhi nên nhìn chung nếu không may mắc phải ung thư vú trong giai đoạn này, các bác sĩ thường khuyên nên tiến hành phẫu thuật cắt bỏ, không chỉ định xạ trị.
- Thông số xét nghiệm máu thấp: Các chỉ số hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu không ổn định hoặc thấp có thể khiến cơ thể mệt mỏi, không đủ khả năng để thực hiện xạ trị vì có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Xem thêm: Những biểu hiện ‘tố cáo’ bạn đang bị thiếu máu, tuyệt đối không nên bỏ qua
5. Phục hồi sau xạ trị ung thư vú
Sau khi “tiêu diệt” các tế bào gây ung thư vú bằng xạ trị, để phục hồi sức khỏe trở lại và tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tái phát, cần có phương pháp phục hồi sau xạ trị thật hợp lý.
5.1. Tập luyện
- Vật lí trị liệu: Các bài tập sẽ giúp làm giảm viêm cục bộ, và hạn chế xảy ra xơ hóa mô sẹo.
- Đi bộ: Sau khi xạ trị ung thư vú, cơ thể sẽ hay cảm thấy mệt mỏi, đau nhức, tuy nhiên, cố gắng duy trì đi bộ mỗi ngày, không chỉ tăng cường sự dẻo dai của xương khớp mà còn cảm thấy khoan khoái tinh thần.
- Thiền, yoga: Việc hít thở sâu điều hòa nhịp thở trong thiền hay yoga sẽ giúp bạn thấy thư thái, tâm trí thoải mái sẽ hạn chế suy nghĩ đến bệnh tật.
5.2. Bổ sung thực phẩm tăng cường sức đề kháng
- Ngũ cốc nguyên hạt: Các dưỡng chất trong ngũ cốc nguyên hạt sẽ hạn chế sự phát triển của gốc tự do, cân bằng nội tiết tố và cải thiện sức khỏe tế bào.
- Hạt sen: Hạt sen cung cấp nhiều chất xơ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, người bệnh cảm thấy ăn ngon miệng hơn, nhanh chóng lấy lại sức khỏe.
- Đậu xanh: Có thể nấu chè, hoặc cháo đậu xanh, vừa thanh mát, vừa bổ sung thêm hoạt chất chống oxy hóa.
- Rau chân vịt: Chlorophyllin trong rau chân vịt có khả năng hòa tan các chất gây oxy hóa, ngăn chặn sự phân bào của các tế bào ung thư.
- Mâm xôi: Là một loại quả mọng nước giàu vitamin C, hỗ trợ phục hồi làn da, cải thiện sức khỏe mạch mô và mạch máu.
Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư
5.3. Nghỉ ngơi thư giãn
Nếu cảm thấy mệt mỏi, hãy cho phép cơ thể nghỉ ngơi. Hãy ngủ đúng giờ, tránh thức quá khuya vì ngủ đủ giấc giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn và có khả năng tạo ra nhiều kháng thể hơn.
Xạ trị được coi là một trong những phương pháp tiên tiến và hiệu quả nhất để chống lại sự phát triển của các tế bào ung thư. Tuy nhiên, bên cạnh việc áp dụng điều trị y học, người bệnh hãy luôn cố gắng giữ một tinh thần lạc quan, vui vẻ vì đây chính là “thần dược” góp phần điều trị thành công.