Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Da bị trầy xước bôi thuốc gì?

(VOH) - Trầy xước da tuy là vết thương nhỏ nhưng đây là loại vết thương hở, nếu chủ quan, xử lý không đúng cách sẽ dễ làm vết thương nhiễm trùng. Vậy khi bị trầy xước da nên làm gì?

Trầy xước là gì?

Trầy xước là loại vết thương hở do da cọ xát trên bề mặt thô ráp, có thể được gọi là bong tróc hoặc xước da. Khi bị trầy xước do da trượt trên mặt đất cứng, nó có thể được gọi là trầy xước trên đường.

da-bi-tray-xuoc-boi-thuoc-gi-voh

Trầy xước da có thể xử lý tại nhà nhưng phải đúng cách (Nguồn: Internet)

Các vết trầy xước có thể gây đau, rát và đôi khi để lộ nhiều đầu dây thần kinh của da. Tuy nhiên, hầu hết các loại vết thương đều không bị chảy máu nhiều. Các trường hợp trầy xước da đều có thể điều trị tại nhà.

Các vị trí trên cơ thể thường bị trầy xước là khuỷu tay, đầu gối, cẳng chân, mắt cá, phần trên các chi,…

Cách xử lý vết trầy xước an toàn

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lai, hiện nay còn rất nhiều người khi bị trầy xước da do ngã xe hoặc trong sinh hoạt hằng ngày bị lúng túng không biết xử lý vết thương như thế nào. Phần lớn, mọi người có thói quen dùng oxy già hoặc cồn 90 độ đổ trực tiếp vào vết thương,... Tuy nhiên, cách xử lý này không đúng, nó không chỉ gây đau đớn mà còn khiến vết thương chậm lành. Vậy khi bị trầy xước da nên làm gì?

Dưới đây là cách xử lý an toàn mà ai cũng cần phải nắm rõ khi chẳng may bị trầy xước:

Vệ sinh và chăm sóc vết thương

Ngay sau khi bị trầy xước da, bạn hãy rửa nhẹ nhàng vết thương bằng nước muối loãng natri clorid 0.9%. Tuyệt đối không chà xát vì làm vết trầy xước nặng hơn.

Bạn cũng không nên dùng oxy già để rửa vết thương vì sẽ làm tổn thương các tế bào non ở dưới và làm chậm quá trình lên sẹo. Bạn cũng không nên tự lý lấy các lá thuốc hoặc cạo các viên kháng sinh để đắp lên vết thương, vì điều này sẽ làm vết thương nhiễm trùng tiềm ẩn phía dưới.

Sau khi rửa vết thương, dùng gạc vô trùng đắp lên vết thương, dán băng keo lại. Mỗi ngày phải thay băng gạc và bôi thuốc đúng cách để vết thương mau lành lại.

da-bi-tray-xuoc-boi-thuoc-gi-voh

Dù là vết thương nhỏ nhưng cũng phải thay băng gạc mỗi ngày đến khi vết thương lành lại (Nguồn: Internet)

Bôi thuốc

Da bị trầy xước bôi thuốc gì? là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bởi khi bôi đúng thuốc và đúng cách sẽ giúp vết thương mau lành, đồng thời hạn chế để lại sẹo hơn. Dưới đây là các loại thuốc nên sử dụng khi bị trầy xước:

  • Đối với vết thương nhẹ: Tình trạng trầy xước chỉ rớm máu, trợt mất một lớp da nông, đau rát nhẹ thì bôi fobancort hoặc fucidin ngày 1 lần trong 7 ngày.
  • Đối với vết thương trung bình: Vết trầy xước hơi lõm, tiết dịch lẫn máu, có quầng viêm đỏ xung quanh, đau rát đôi khi kèm theo ngứa thì bôi thuốc fobancort hoặc fucicort vào các buổi sáng trong 10 ngày. Buổi tối bôi lên vết thương bằng foban hoặc fucidin cho đến khi vết thương lành lại. Ngoài ra, bạn cũng có thể uống một đợt kháng sinh chống nhiễm trùng.
  • Đối với vết thương nặng: Vết trầy xước sâu, trông lõm hẳn xuống, nền sưng nề, có quầng đỏ lan rộng xung quanh. Vết thương có thể tiết dịch mủ lẫn máu, gây đau nhiều, nhức buốt dưới da thì sau khi rửa vết thương bằng nước muối, bạn bôi thuốc buổi sáng bằng fobancort hoặc fucicort trong 15 - 20 ngày, bôi buổi tối kéo dài cho đến khi khỏi bằng foban hoặc fucidin. Kháng sinh chống nhiễm trùng có thể uống hoặc tiêm. Trong trường hợp cần thiết phải tiêm kháng sinh liều cao dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

da-bi-tray-xuoc-boi-thuoc-gi-voh

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc bôi (Nguồn: Internet)

Thực tế, nhiều người sợ vết thương để lại sẹo nên đắp nghệ tươi vào vết thương sớm khi nó chưa kéo da non. Theo tiến sĩ Lai, việc đắp nghệ tươi trực tiếp lên vết trầy xước trong giai đoạn sớm là điều không nên vì các acid trong nghệ có thể gây bỏng da. Khi bị bỏng da, vết thương sẽ phồng rộp lên, đau rát nhiều khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn và kéo dài hơn.

Lời khuyên: Nếu các vết trầy xước trên da mặt mà khi khỏi để lại vết thâm có thể bôi các chế phẩm làm giảm sắc tố da như: domina, despigmen, bôi ngày 1 lần vào buổi tối đúng vùng da bị thâm. Ban ngày nên tránh nắng từ 11h – 14h, nên đội mũ nón khi đi ra đường. Trong thời gian hồi phục vết thương không nên dùng mỹ phẩm vì mỹ phẩm bôi vào da đang bị tổn thương sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình liền da.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang hellobacsi.com
  2. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế