Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bỏng bô – cách xử lý giúp nhanh khỏi nhất

(VOH) - Bị bỏng bô xe là tai nạn rất dễ gặp phải. Để không phải đối mặt với những cơn đau rát và vết thương nhanh lành thì bạn có thể tham khảo một số biện pháp dưới đây.

Bị bỏng bô có nguy hiểm không?

Bỏng là một dạng thương tổn trên da, đôi khi tổn thương sâu dưới mô gây ra bởi nhiệt, điện, bức xạ, chất hóa học, ánh sáng hay ma sát.

Một trong những tai nạn bỏng da phổ biến nhất là bỏng bô xe. Trong trường hợp này, nếu không xử lý đúng cách ngay từ đầu có thể gây hoại tử da, phải mổ cắt lọc ghép da hoặc những vết thương nhỏ lâu lành, để lại sẹo hoặc gây nhiễm trùng. Vậy bị bỏng bô xe máy nên làm gì?

bong-bo-cach-xu-ly-giup-nhanh-khoi-nhat-voh-1

Nên biết cách sơ cứu khi bị bỏng bô để tránh nhiễm trùng vết thương (Nguồn: Internet)

Sơ cứu khi bị bỏng bô xe máy

Theo các chuyên gia, khi bị bỏng bô cần phải sơ cứu ngay. Người bị tai nạn cần nhanh chóng dội nước lạnh sạch lên vùng da bị bỏng hoặc ngâm vùng bị bỏng vào nước lạnh sạch càng sớm càng tốt. Để khoảng 15 – 20 phút thì băng ép nhẹ vùng bị bỏng bằng gạc vô trùng.

Sau đó, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị đúng cách.

Nước mát, sạch là phương thuốc sơ cứu bỏng tốt nhất, tổn thương bỏng là nóng rát nên nước mát sẽ làm giảm đau, giảm nóng rát ngay tức thì. Ngoài ra, nước mát còn có tác dụng giảm viêm, giảm phù nề, giảm độ sâu của tổn thương bỏng.

Lưu ý: Không dùng nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho nạn nhân bỏng vì vùng da bị bỏng quá lạnh sẽ gây ra hiện tượng co mạch máu và làm tình trạng bỏng nặng hơn. Ngoài ra, nạn nhân cũng không nên ngâm rửa vết thương bỏng bô bằng nước ấm nóng vì sẽ làm vết bỏng trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiệt độ cao tác động vào.

Đối với các vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương nông thì có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa. Sau khi thăm khám, các bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị tại nhà. Đối với trường hợp bị bỏng nặng, diện tích da bị bỏng rộng, sâu thì cần có sự chăm sóc và theo dõi của nhân viên y tế.

Bị bỏng bôi gì cho nhanh khỏi?

Sau khi sơ cứu vết thương bỏng, bạn có thể dùng các loại thuốc sau đây:

  1. Thuốc giảm đau

Khi bị đau nhiều có thể sử dụng paracetamol hoặc các thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen, diclofenac...

  1. Thuốc sát trùng ngoài da

Dùng các dung dịch thuốc sát khuẩn như povidone-iodine, cetrimide, chlorhexidine... thoa trực tiếp lên vùng da bị phỏng để giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn.

  1. Thuốc kháng sinh

Trường hợp bỏng nhẹ cũng có thể dùng kháng sinh để chủ động ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng và giúp vết thương mau lành do tổn thương bỏng gây ra. Nên dùng loại kháng sinh có tác dụng tại chỗ với dạng thuốc dùng ngoài da ở dạng thuốc mỡ, thuốc kem có chứa neomycine, polymycine, sulfadiazine bạc... Bác sĩ sẽ chỉ định việc sử dụng kháng sinh phù hợp tùy theo mức độ bỏng và sự đáp ứng điều trị của thuốc.

Lưu ý: Thuốc kháng sinh có thể gây ra các tác dụng phụ với mức độ nhẹ như dị ứng da, buồn nôn, tiêu chảy... vì vậy cần được theo dõi để xử trí khi có tác dụng không mong muốn xảy ra.

  1. Các loại thuốc khác

bong-bo-cach-xu-ly-giup-nhanh-khoi-nhat-voh-2

Trước khi bôi thuốc cần rửa sạch vết thương bị bỏng (Nguồn: Internet)

Bị bỏng nên bôi gì? Ngoài các loại thuốc trên thì bạn có thể dùng một số loại thuốc bôi dạng mỡ, kem,..có nguồn gốc từ dược liệu hoặc thảo dược như mù u, nghệ, nha đam,…

Một số thuốc có thành phần dầu gan cá, oxy kẽm, vitamin A,…cũng có tác dụng điều trị các vết bỏng nông, bỏng bô xe máy, bỏng nước sôi,…giúp chống sưng, viêm bỏng rát.

Trước khi sử dụng các loại thuốc bôi này, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Lời khuyên: Không nên dùng các loại dầu, nước mắm,  kem đánh răng... hoặc bất kỳ chất nào thoa vào vùng da bị bỏng khi chưa rửa sạch. Tác dụng của những cách đắp này chưa được xác thực, trong khi biến chứng để lại nặng nề hơn vì dễ gây nhiễm khuẩn vết thương.

Tài liệu tham khảo:

Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế

Bỏng da vì sử dụng mỹ phẩm dỏm: Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM vừa đưa ra thông tin cảnh báo về tác hại khôn lường của mỹ phẩm dỏm.
Bổ sung vitamin D giúp ích cho bệnh nhân bỏng nặng: Trên khắp thế giới, bỏng không tử vong là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng nằm viện, biến dạng và tàn tật.
Bình luận