Chờ...

Bỏng lạnh – sơ cứu kịp thời để tránh hoại tử da

(VOH) - Bỏng lạnh tuy hiếm gặp nhưng nếu chẳng may gặp phải mà không biết cách xử lý sẽ gây nguy hiểm không kém gì bỏng do nhiệt độ cao.

Bỏng lạnh là gì?

Bỏng lạnh là tình trạng mô sống ở người bị đông cứng và bị tổn thương do tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp. Bỏng lạnh thường gặp ở bàn tay, bàn chân, mũi và tai.

Bỏng lạnh có thể là một loại vết thương rất nghiêm trọng. Các mô có thể mất nhiều tuần để phục hồi. Bệnh nhân có thể mất da, ngón tay và ngón chân cũng như bị dị tật và đổi màu. Những người bị bỏng lạnh còn có thể bị hạ thân nhiệt.

Dấu hiệu bị bỏng lạnh

Khi đi du lịch đến những địa điểm có nhiệt độ thấp, nếu cơ thể không kịp thích ứng bạn dễ bị bỏng lạnh. Bạn có thể nhận biết tình trạng bỏng lạnh qua các dấu hiệu sau:

bong-lanh-so-cuu-kip-thoi-de-tranh-hoai-tu-da-voh-1

Bỏng lạnh nếu không biết cách xử lý sẽ gây phồng rộp da (Nguồn: Internet)

  1. Bỏng lạnh giai đoạn đầu

  • Da lạnh.
  • Da nhói đau.
  • Cảm giác bị kim châm.
  • Tê và đỏ da.
  • Xúc giác giảm.

Nếu phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn này, người bệnh chỉ bị sưng nhẹ và tróc da.

  1. Bỏng lạnh giai đoạn 2

Ở giai đoạn này, da bắt đầu tái đi và chuyển sang màu trắng hoặc màu nhạt. Bề mặt làn da của bạn có thể xuất hiện đốm, màu xanh hoặc màu tím.

Ngoài ra, bạn có thể thấy đau nhói, rát và sưng. Khi vùng da bị bỏng lạnh được làm ấm lại, có thể sẽ xuất hiện các vết phồng rộp và các mô chết có màu đen, xanh hoặc xám đậm (bị thối).

  1. Bỏng lạnh giai đoạn cuối

Ở giai đoạn cuối, bỏng lạnh làm ảnh hưởng đến tất cả các lớp da, bao gồm cả các mô nằm bên dưới. Bạn sẽ có cảm giác tê, mất tất cả cảm giác lạnh, đau hoặc khó chịu ở vùng bị ảnh hưởng, khớp hoặc cơ thể không còn hoạt động.

Khi vùng da bị bỏng lạnh được làm ấm lại, các vết phồng rộp lớn xuất hiện sau 24 - 48 tiếng. Sau đó, khu vực này sẽ chuyển sang màu đen và cứng như các mô chết.

Ai dễ bị bỏng lạnh?

Những người hút thuốc lá, người bệnh tiểu đường hoặc bị các bệnh liên quan tới mạch máu, suy thận mãn tính... là những đối tượng có nguy cơ nhiễm bỏng lạnh cao. Những người tiếp xúc với môi trường lạnh trong thời gian dài thì thân nhiệt bị hạ dẫn tới rối loạn ý thức, co giật, hôn mê thậm chí tử vong.

Nguyên nhân dẫn tới bỏng lạnh là do bệnh nhân tiếp xúc với yếu tố cực lạnh dưới 0 độ C, nitơ lỏng, làm việc trong phòng đông lạnh, nhân làm việc trong các kho lạnh, công ty kinh doanh thủy - hải sản, tàu cá, những nhân viên làm kiểm nghiệm các hàng thủy hải sản xuất khẩu... Khi gặp nạn, nếu nhiệt độ thấp kéo dài thì cơ thể bắt đầu bị tổn thương.

bong-lanh-so-cuu-kip-thoi-de-tranh-hoai-tu-da-voh-2

Da tím tái sau khi bị bỏng lạnh (Nguồn: Internet)

Cách sơ cứu khi bị bỏng lạnh

Theo bác sĩ Lê Thị Thuần - Viện bỏng quốc gia, khi bị bỏng lạnh chúng ta cần nhanh chóng thực hiện những bước sơ cứu dưới đây:

  • Ngay khi phát hiện có người bị bỏng lạnh cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến nơi ấm áp để loại bỏ nguy cơ hạ thân nhiệt, từ đó kích thích cơ thể tự điều chỉnh, ủ ấm hoặc làm ấm bệnh nhân.
  • Nếu quần áo của bệnh nhân bị ướt, ngay lập tức hãy cởi bỏ chúng ra vì nếu để bệnh nhân sẽ tiếp tục bị nhiễm lạnh, nhiệt độ cơ thể chắc chắn không thể tăng lên.
  • Ngâm các tổn thương trong nước ấm 40 - 42 độ C. Cần lưu ý, không được cho bệnh nhân tiếp xúc với lửa hay lò sưởi, vì có thể dẫn tới tổn thương nặng nề hơn. Trong thời gian đó, nhanh chóng di chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc điều trị.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang hellobacsi.com
Bỏng bô – cách xử lý giúp nhanh khỏi nhất: Bị bỏng bô xe là tai nạn rất dễ gặp phải. Để không phải đối mặt với những cơn đau rát và vết thương nhanh lành thì bạn có thể tham khảo một số biện pháp dưới đây.
Bỏng da vì sử dụng mỹ phẩm dỏm: Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM vừa đưa ra thông tin cảnh báo về tác hại khôn lường của mỹ phẩm dỏm.