Những điều bạn cần biết về bệnh ung thư cổ tử cung

(VOH) – Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư được hình thành ngay tại cổ tử cung của phụ nữ. Đây là loại ung thư thường gặp và đứng hàng thứ 2 trên thế giới, sau ung thư vú.

Theo các nghiên cứu ung thư tại Việt Nam thì mỗi năm tại Việt nam, có khoảng hơn 4100 phụ nữ mới phát hiện mình bị ung thư cổ tử cung và khoảng 2400 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này. Trong các ung thư ở phụ nữ thì ung thư cổ tử cung cũng là loại ung thư đứng hàng thứ 2 sau ung thư vú tại Hà Nội và đứng đầu tại TP.Hồ Chí Minh.

1. Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của biểu mô lát (biểu mô vảy) hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung. Bệnh xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường, nhân lên một các không thể kiểm soát.

Mới đầu các tế bào ung thư sẽ hình thành ở biểu mô cổ tử cung, sau đó phát triển ở niêm mạc cổ tử cung rồi hình thành khối ung lớn trong tử cung, xâm lấn các khu vực xung quanh cũng như di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.

Theo phân loại mô bệnh học, các dạng ung thư cổ tử cung thường gặp là:

  • Ung thư biểu mô tại chỗ
  • Ung thư biểu mô vảy
  • Ung thư biểu mô tuyến
  • Ung thư biểu mô tế bào sáng.

1.1 Có thể bị ung thư cổ tử cung ở độ tuổi nào?

Nữ giới thường mắc ung thư cổ tử cung trong độ tuổi từ 30 – 59 tuổi, gặp nhiều nhất là phụ nữ trong khoảng 48 – 52 tuổi. Người dưới 20 tuổi hiểm khi mắc phải căn bệnh này.

Ngoài ra, cũng có những trường hợp trên 65 tuổi phát hiện bị ung thư cổ tử cung mà nguyên nhân thường là do tầm soát không tốt ở độ tuổi trước đó.

2. Các giai đoạn phát triển của ung thư cổ tử cung

Bệnh ung thư cổ tử cung được chia ra làm 4 giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, các mức độ bệnh sẽ phát triển khác nhau.

2.1 Ung thư cổ tử cung giai đoạn 0 (Giai đoạn tại chỗ)

Đây là giai đoạn đầu của ung thư cổ tử cung, còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư chỉ mới hình thành ở lớp bề mặt, chưa phát triển vào sâu trong các mô, hầu như không có triệu chứng gì, do đó chị em thường không nhận biết được.

2.2 Ung thư cổ tử cung giai đoạn I

nhung-dieu-ban-can-biet-ve-benh-ung-thu-co-tu-cung-voh

Hình ảnh minh họa bệnh ung thư cổ tử cung (Nguồn: Internet)

Các tế bào ung thư vẫn còn nằm ở cổ tử cung.

  • Giai đoạn IA: Ở giai đoạn phụ này, các tế bào ung thư chỉ có thể xác định được bằng cách kiểm tra dưới kính hiển vi.
  • Giai đoạn IA1: Trong giai đoạn này, tế bào ung thư xâm nhập vào trong cổ tử cung khoảng 3mm.
  • Giai đoạn IA2: Lúc này, các tế bào ung thư đã đi sâu vào cổ tử cung từ 3 – 5mm và nhỏ hơn 7mm về bề rộng.
  • Giai đoạn IB:  Đây là khi các tế bào ung thư có thể được xác định mà không nhìn qua kính hiển vi.
  • Giai đoạn IB1: Trong giai đoạn này các tế bào ung thư đã phát triển nhưng chưa tới 4cm.
  • Giai đoạn IB2: Các tế bào ung thư lớn hơn 4cm.

2.3 Ung thư cổ tử cung giai đoạn II

Khi ung thư cổ tử cung ở giai đoạn II, tế bào ung thư đã lan ra khỏi cổ tử cung nhưng vẫn còn giới hạn ở trong vùng chậu.

  • Giai đoạn IIA: Tế bào ung thư đã lan rộng đến phần trên nhưng chưa ảnh hưởng đến phần dưới của âm đạo.
  • Giai đoạn IIB: Đây là khi tế bào ung thư đã lan rộng đến các mô ở dạ con.

2.4 Ung thư cổ tử cung giai đoạn III

Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư đã lan ra khỏi vùng chậu hoặc lan tới 1/3 dưới của âm đạo, ảnh hưởng đến các khu vực dưới của âm đạo.

  • Giai đoạn IIIA: Chỉ có các khu vực dưới của âm đạo bị ảnh hưởng và ung thư được giới hạn ở khu vực đó.
  • Giai đoạn IIIB: Tế bào ung thư đã lan rộng ra thành vùng chậu và ngăn cản dòng chảy của nước tiểu tới bàng quang.

2.5 Ung thư cổ tử cung giai đoạn IV

Khối u đã xâm lấn tới bàng quang, trực tràng, lan rộng ra khỏi vùng chậu.

  • Giai đoạn IVA: Bàng quang hoặc trực tràng đã bị ảnh hưởng.
  • Giai đoạn IVB: Đây là giai đoạn nặng nhất của ung thư cổ tử cung và hết khả năng chữa trị bệnh. Thậm chí các cơ quan ở xa tế bào ung thư cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề.

3. Triệu chứng của ung thư cổ tử cung

Triệu chứng bệnh ung thư cổ tử cung thường gặp nhất chính là xuất huyết âm đạo. Có khoảng 80% người bệnh xuất hiện tình trạng xuất huyết âm đạo bất thường, đặc biệt là sau khi giao hợp.

nhung-dieu-ban-can-biet-ve-benh-ung-thu-co-tu-cung-1-voh

Xuất huyết âm đạo là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh ung thư cổ tử cung (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, một số triệu chứng ung thư cổ tử cung thường gặp khác là:

  • Khí hư âm đạo khác thường: Khi hư âm đạo có mùi hôi và màu hồng, nâu hoặc lẫn máu thì có nhiều khả năng là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung.
  • Đau mỏi lưng, chân hoặc vùng xương chậu: Cảm giác đau nhói vùng xương chậu. Khi ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn, những cơn đau này có thể kéo dài đến lưng và chân.
  • Tiểu tiện bất thường: Thay đổi thói quen tiểu tiện, khi hắt hơi hoặc vận động mạnh cũng bị rò rỉ nước tiểu, đau buốt khi đi tiểu, có kèm máu trong nước tiểu...
  • Thiếu máu: Ung thư cổ tử cung khiến lượng hồng cầu trong máu giảm xuống nên thường khiến cơ thể mệt mỏi, mất sức sống.
  • Tụt cân nhanh: Khi mắc bệnh ung thư cổ tử cung, nhiều trường hợp sẽ bị nôn ói và khiến cơ thể sụt cân không rõ lý do.
  • Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Chu kỳ kinh nguyệt nếu kéo dài đến 2 tuần hoặc trong 1 tháng có đến 2 chu kỳ kinh nguyệt thì chị em nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra ngay.

4. Tại sao bị ung thư cổ tử cung?

Hầu hết các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung đều là do nhiễm Human papillomavirus (HPV) ở người gây ra.  

Huma papillomavirus (HPV) là một nhóm gồm hơn 200 virus liên quan, một phần trong số đó lây truyền qua đường sinh dục. HPV được phân thành HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao. Có khoảng 14 tuyp HPV nguy cơ cao, trong đó HPV16 và HPV18 đã được xác định là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

Hầu như tất cả mọi người trong độ tuổi sinh hoạt tình dục đều nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời và trong số đó, có khoảng 50% trường hợp bị nhiễm HPV nguy cơ cao.

Khi bị nhiễm HPV, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt để chống lại sự lây nhiễm. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ thể cũng phòng vệ thành công, trong trường hợp bị nhiễm HPV nguy cơ cao, mọi phụ nữ đều có khả năng bị ung thư cổ tử cung trong tương lai.

Ngoài nguyên nhân do Human papillomavirus (HPV), một số yếu tố nguy cơ khác cũng có khả năng gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ như:

  • Hút thuốc lá: Các chất độc hại có trong thuốc lá đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư cổ tử cung.
  • Quan hệ sớm với nhiều người hoặc quan hệ không an toàn.
  • Sinh đẻ nhiều lần (có trên 5 đứa con)
  • Sinh con còn quá sớm (trước 17 tuổi)
  • Vệ sinh vùng kín không đúng cách
  • Viêm cổ tử cung mãn tính
  • Suy giảm miễn dịch có thể làm HPV tăng cao, dẫn tới tăng khả năng bị ung thư cổ tử cung.
  • Sử dụng thuốc tránh thai đường uống kéo dài trên 5 năm.

5. Ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không?

Ung thư cổ tử cung gây đau bụng dưới và khoang chậu, chảy máu âm đạo bất thường hoặc ra khí hư có mùi. Tùy vào từng vị trí lan tràn, di căn khác nhau mà bệnh nhân sẽ có những biểu hiện khác nhau, chẳng hạn như: ho, đau ngực, đi tiểu ra máu, xuất huyết trực tràng.

Nhiều bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như tiểu nhiều, đau buốt khi tiểu tiện và tiểu ra máu thường được chẩn đoán nhầm là viêm nhiễm đường tiết niệu trong một thời gian dài, dẫn đến làm giảm khả năng chữa khỏi bệnh ung thư cổ tử cung.

nhung-dieu-ban-can-biet-ve-benh-ung-thu-co-tu-cung-2-voh

Ung thư cổ tử cung có thể gây nhiều nguy hiểm nếu phát hiện và điều trị muộn (Nguồn: Internet)

Một số trường hợp buộc phải cắt bỏ tử cung hoặc xạ trị gây mất chức năng tử cung và buồng trứng, đồng nghĩa với việc suy giảm chức năng tình dục và mất khả năng sinh con của người phụ nữ.

Đặc biệt, nếu được phát hiện muộn và điều trị không đúng cách, bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng hơn, gây ra những biến chứng trầm trọng do các khối u xâm lấn qua các cơ quan lân cận gây suy thận, phù chân, thiếu máu nặng hoặc bệnh di căn đến các cơ quan khác như phổi, gan, xương... cực kỳ nguy hiểm.

6. Ung thư cổ tử cung có thể chữa được không?

Với sự phát triển và sự tiến bộ của nền y học hiện nay, bệnh ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Càng được phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh (bệnh nhân sống khỏe mạnh trên 5 năm) và khả năng bảo tồn chức năng sinh sản càng cao. Trường hợp bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn thì khả năng chữa khỏi sẽ thấp hơn.

Tùy theo từng giai đoạn của ung thư cổ tử cung mà sẽ có những cách điều trị khác nhau:

6.1 Giai đoạn 0, I, II

  • Giai đoạn IA: Ung thư được xác định bằng vi thể (bướu nhỏ hơn 2mm), điều trị là cắt tử cung, có thể kết hợp nạo hạch chọn lọc. Nếu hạch bị xâm lấn, ung thư được điều trị như giai đoạn IB
  • Giai đoạn IB: Phẫu thuật tận gốc - cắt tử cung theo phương pháp bao gồm cắt tử cung, một phần âm đạo, chu cung và nạo vét hạch chậu hai bên.

6.2 Giai đoạn II

Phẫu thuật cắt toàn bộ âm đạo trong giai đoạn IIA. Thông thường giai đoạn này kết hợp xạ - phẫu - xạ

6.3 Giai đoạn III và IV

Giai đoạn này ung thư đã ăn lan đến 1/3 dưới của âm đạo, thường sẽ được chỉ định phẫu thuật. Điều trị chủ yếu là xạ trị - hoá trị để giảm triệu chứng.

Như vậy, ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi được nếu phát hiện kịp thời. Chính vì vậy, chị em phụ nữ cần thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung để có thể phát hiện và chữa trị ung thư cổ tử cung kịp thời với các phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Nếu để bệnh càng tiến triển thì việc chữa trị càng trở nên khó khăn.

7. Sàng lọc ung thư cổ tử cung để phát hiện ung thư giai đoạn sớm

Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng gì, vì thế, sàng lọc sớm là cách tốt nhất để phát hiện và chữa ung thư cổ tử cung kịp thời.

Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo, cho dù chị em phụ nữ đã tiêm vắc-xin HPV thì vẫn cần sàng lọc phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm, nếu không may bị bệnh.

Tất cả phụ nữ đã có ‘quan hệ vợ chồng’ ở độ tuổi từ 30 – 49 tuổi đều nên làm xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung. Hoặc chị em có thể làm xét nghiệm sớm hơn nếu thấy biểu hiện bất thường.

Thời điểm tốt nhất để thực hiện khám sàng lọc là 2 tuần sau ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Khoảng cách thời gian giữa các lần sàng lọc sẽ do bác sĩ tư vấn và tùy thuộc kết quả xét nghiệm.

Một số lưu ý cần nhớ khi thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung:

  • Không xét nghiệm khi đang đặt thuốc hoặc điều trị viêm nhiễm phụ khoa
  • Kiêng quan hệ tình dục khoảng 24 – 58 tiếng trước khi thực hiện.
  • Tuyệt đối không dùng những loại kem bôi trơn âm đạo để che khuất những tế bào bất thường.

Trên đây là những thông tin cần thiết về căn bệnh ung thư cổ tử cung, hi vọng sẽ giúp các chị em có được những kiến thức nhất định về căn bệnh này. Đồng thời hãy thực hiện việc tầm soát ung thư sớm nhất có thể khi có những dấu hiệu bất thường nhằm giúp phát hiện và điều trị kịp thời khi bệnh chỉ ở những giai đoạn đầu tiên.