Chờ...

Làm sao nhận biết được bệnh viêm đường tiết niệu khi mang thai?

( VOH ) - Phụ nữ rất dễ mắc phải viêm đường tiết niệu khi mang thai, tuy nhiên không phải cũng hiểu rõ về bản chất và những hậu quả mà căn bệnh này sẽ gây ra cho cả mẹ và thai nhi.

Viêm đường tiết niệu là bệnh thường gặp ở nữ giới, đặc biệt gặp nhiều hơn ở phụ nữ mang thai. Phụ nữ viêm đường tiết niệu có thể gây sinh non, sảy thai, nhiễm khuẩn sơ sinh... do đó, đây là căn bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

1. Viêm đường tiết niệu là gì?

Đường tiết niệu là nơi loại bỏ các chất thải và nước tiểu ra ngoài cơ thể nhờ 2 quả thận. Hai niệu đạo có tác dụng dẫn nước tiểu tới bàng quang, bàng quang là nơi chứa và lưu giữ nước tiểu để thải ra ngoài cơ thể thông qua niệu đạo.

Khi vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào cơ thể qua đường tiết niệu gây ra tình trạng viêm nhiễm. Bất cứ bộ phận nào trong hệ tiết niệu cũng đều có thể bị nhiễm khuẩn, từ thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

1.1 Tại sao bị viêm đường tiết niệu khi mang thai?

Vi khuẩn E.coli và vi trùng là 2 tác nhân gây ra bệnh viêm đường tiết niệu phổ biến nhất. Ngoài ra, liên cầu nhóm B cũng là loại vi khuẩn có thể gây viêm đường tiết niệu. Bên cạnh đó, cấu tạo giải phẫu của hệ tiết niệu cũng như tính chất nghề nghiệp và lối sống không lành mạnh cũng là nguyên nhân gây ra căn bệnh này.

Với phụ nữ mang thai, nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu là do niệu đạo phụ nữ ngắn hơn nam giới, âm đạo và hậu môn có vị trí khá gần nhau nên dễ bị lây nhiễm bệnh lý từ bộ phận này qua bộ phận kia.

Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai nhất là trong 3 tháng cuối, tử cung thường nghiêng về bên phải, điều này sẽ gây chèn ép vào niệu quản và thận phải, dễ gây ứ nước thận và viêm thận.

Trong giai đoạn thai kỳ, những thay đổi về sinh lý nội tiết dưới tác động của progesterone sẽ làm nhu động ruột và nhu động niệu quản giảm khiến phụ nữ dễ bị táo bón và ứ đọng nước tiểu tạo điều kiện để các loại vi khuẩn gây viêm nhiễm hoành hành.

Làm sao nhận biết được bệnh viêm đường tiết niệu khi mang thai? 1

Viêm đường tiết niệu có thể xuất hiện ở thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo (Nguồn: Internet)

Quan hệ trong thời gian mang thai cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh viêm đường tiết niệu. Một số vi khuẩn gần âm đạo có thể đi vào niệu đạo thông qua việc quan hệ. Do đó, tốt nhất là nữ giới nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ bằng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ để hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ này.

1.2 5 dấu hiệu nhận biết viêm đường tiết niệu khi mang thai

Viêm đường tiết niệu thường xuất hiện vào đầu tháng thứ 4 thai kỳ nhưng do triệu chứng khởi phát của bệnh thường không rõ ràng nên nhiều chịu em thường nhầm lẫn với những dấu hiệu của việc mang thai.

Một số triệu chứng của bệnh viêm đường tiết niệu có thể kể đến như:

  • Đau buốt hoặc nóng rát mỗi khi đi tiểu
  • Có cảm giác đi tiểu thường xuyên nhưng lượng nước tiểu mỗi lần đi điều rất ít
  • Nước tiểu có mùi, đôi khi lại có máu
  • Đau lưng, đau bụng và đau xương chậu
  • Run người, ớn lạnh, nóng sốt hay đổ mồ hôi

1.3 Ảnh hưởng bệnh viêm đường tiết niệu đối với thai kỳ

Tùy vào vị trí bị nhiễm khuẩn là bàng quang, bể thận hay niệu đạo mà có những ảnh hưởng khác nhau đến thai kỳ.

  • Có khoảng 25% các trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu không có triệu chứng sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn tiết niệu có triệu chứng.
  • Viêm đường tiết niệu không được điều trị có thể dẫn đến động thai, sảy thai nhất là vào những tháng đầu tiên của thai kỳ.
  • Ảnh hưởng nặng nề nhất của viêm đường tiết niệu ở phụ nữ mang thai là có thể dẫn đến sinh non, thai chết lưu trong tử cung nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực.

Đặc biệt, viêm đường tiết niệu ở nữ giới còn có thể gây ra các biến chứng khác như: viêm thận, bể thận cấp, áp xe quanh thận, nhiễm khuẩn huyết, suy thận cấp... trong đó viêm bể thận là biến chứng nguy hiểm nhất đối với thai kỳ, thường hay gặp vào 3 tháng cuối thai kỳ.

lam-sao-nhan-biet-duoc-benh-viem-duong-tiet-nieu-khi-mang-thai-1-voh

Viêm đường tiết niệu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi (Nguồn: Internet)

Bệnh có thể xuất hiện đột ngột ở một thai phụ bình thường hoặc thai phụ đã bị viêm niệu đạo hoặc viêm bàng quang trước đó. Các triệu chứng thường gặp là tiểu buốt, tiểu khó, tiểu máu; sốt cao (có thể trên 40 độ C), rét run, đau một bên hông hoặc hai bên (lúc khám), kém ăn hoặc chán ăn, buồn nôn và nôn mửa. Xét nghiệm nước tiểu chứa nhiều vi khuẩn, bạch cầu, mủ...

2. Phòng ngừa và điều trị viêm đường tiết niệu ở nữ giới khi mang thai

Chị em phụ nữ cần được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực các trường hợp viêm đường tiết niệu trong thai kỳ để tránh những biến chứng xấu nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Cách tốt nhất là thai phụ cần thăm khám thai định kỳ và thực hiện xét nghiệm nước tiểu nếu có biểu hiện bất thường. Trong trường hợp chẩn đoán có bệnh, thì tùy vào từng nguyên nhân bệnh cụ thể sẽ có hướng điều trị khác nhau:

  • Nếu nhiễm khuẩn đường tiết niệu không có triệu chứng hay viêm bàng quang thì thai phụ có thể điều trị tại nhà theo phát đồ của bác sĩ. Cần tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ về thuốc, tránh lạm dụng quá nhiều thuốc kháng sinh sẽ ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.
  • Nếu là viêm thận – bể thận cấp, sản phụ sẽ phải tiến hành điều trị tích cực tại bệnh viện, có sự theo dõi và chăm sóc trực tiếp của bác sĩ. Người bệnh cũng sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định bác sĩ. Bên cạnh đó, sẽ có thêm sự chăm sóc về sản khoa như kiểm tra thai, theo dõi tim thai...

3. Biện pháp hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm đường tiết niệu ở thai phụ

Phụ nữ mang thai có thể thực hiện các biện pháp sau đây để giảm bớt nguy cơ bị viêm đường tiết niệu như:

  • Bổ sung đầy đủ lượng nước cho cơ thể mỗi ngày.
  • Lựa chọn trang phục đồ lót thoải mái giúp ‘vùng kín’ khô thoáng sẽ hạn chế khả năng bị nhiễm khuẩn, vì vi khuẩn thường sinh sôi mạnh trong điều kiện độ ẩm cao.
  • Vệ sinh sạch sẽ bằn dung dịch vệ sinh dành cho phụ nữ mang thai và cần hạn chế sử dụng các sản phẩm vệ sinh có chất tẩy mạnh.
  • Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất và tập luyện thể dục thường xuyên.

Viêm đường tiết niệu ở phụ nữ mang thai là bệnh lý khá nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hi vọng thông qua những kiến thức trên sẽ giúp chị em có được những thông tin bổ ích để phát hiện, điều trị và phòng tránh bệnh hiệu quả.